Bạn có đang chiều hư con cái?
Cha mẹ nào cũng yêu thương con nhưng tình yêu ấy nên được thể hiện đúng lúc, đúng chỗ để không đem lại những tác động tiêu cực.
Như thế nào là “nuông chiều”
Nuông chiều là một khái niệm ám chỉ những bậc cha mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng tất cả các nhu cầu của con cái, sẵn sàng làm mọi việc để nuôi dưỡng tài năng và cá tính cho con. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ này lại thường xem nhẹ chuyện dạy dỗ con và rất ít khi đặt ra các nguyên tắc, kỷ luật cho con thực hiện.
Có thể kể tới một vài ví dụ điển hình của việc nuông chiều như:
- Luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con, như khi bạn dắt con vào một cửa hàng tạp hóa, con bạn bỗng đòi ăn kem, dù trước đó con đã ăn tới hai cái trong ngày hôm nay. Vì không muốn con buồn nên bạn vẫn tiếp tục mua kem cho con.
- Bạn không quy định chi tiết thời gian cho con chơi, học hay ngủ. Vì vậy, dù cho con phải thức dậy sớm vào ngày mai để tới trường, bạn vẫn để con thức khuya tuỳ ý.
- Bạn đang tiết kiệm tiền để đổi điện thoại hoặc đổi xe mới nhưng khi con bạn khăng khăng đòi mua một bộ máy chơi điện tử, dù bạn đã giải thích lý do không nên, cuối cùng bạn vẫn ưu tiên nhu cầu của con.
- Bạn muốn con dọn dẹp phòng nhưng con lại mải mê chơi điện tử. Và đến khi con ngừng lại thì con lại tỏ vẻ quá mệt mỏi nên bạn liền “mềm lòng” rút lại yêu cầu của mình.
Dấu hiệu nhận biết
Hãy chú ý tới loạt dấu hiệu đặc trưng của những bậc “cha mẹ nuông chiều” để biết mình có thực sự đang chiều hư con cái:
- Yêu thương, chăm sóc con nhưng lại không có các quy tắc, giới hạn.
- Luôn ủng hộ con, có trách nhiệm với con mà rất hiếm khi đưa ra yêu cầu cho con.
- Giống như một người bạn của con, thay vì làm cha mẹ của con.
- Không có mệnh lệnh, lịch trình hay bất cứ điều gì ràng buộc con.
- Thường tránh mâu thuẫn, tránh đi ngược lại ý muốn của con.
- Không bao giờ kiểm soát con.
- Dù con có làm gì cũng không bao giờ có “hậu quả”.
- “Mua chuộc” con làm theo lời mình bằng những phần thưởng hấp dẫn.
- Để con thoải mái dùng thiết bị điện tử và ăn đồ ăn vặt.
- Lúc nào cũng muốn tập trung vào sự tự do của con, thay vì làm cho con hiểu được trách nhiệm, kỷ luật.