Tuyển sinh đại học 2019: Điểm sàn chênh lệch lớn

Thu Hương 24/07/2019 07:14

Tất cả các trường đều đã công bố điểm sàn để thí sinh căn cứ vào đó điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng cho phù hợp. Mức điểm sàn phổ biến từ 14 tới 21 điểm. Các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM... có ngành xét tuyển với điểm sàn cao nhất cả nước từ 24 điểm.

Tuyển sinh đại học 2019: Điểm sàn chênh lệch lớn

Trên cơ sở các mức điểm sàn xét tuyển, các thí sinh sẽ lựa chọn được những ngành học phù hợp. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Cao thấp tùy ngành

Trong 55 ngành, chương trình đào tạo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có 7 ngành có ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH chính quy 2019 từ 24 điểm, trong đó có Khoa học máy tính, Kỹ thuật Máy tính, CNTT Việt-Nhật, CNTT Global ICT… 15 ngành có điểm sàn xét tuyển từ 22 điểm. 22 ngành khác có mức điểm sàn 20 điểm và 11 chương trình đào tạo liên kết quốc tế của trường lấy điểm sàn từ 19 điểm. Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng đào tạo của nhà trường cho biết, để đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội quy định mức điểm sàn xét tuyển khác nhau cho từng nhóm ngành, trong đó đối với những ngành/chương trình đào tạo xét tuyển tổ hợp có môn chính, mức điểm này đã gồm môn chính nhân đôi theo công thức tính điểm của trường. Trên cơ sở các mức điểm sàn xét tuyển, các thí sinh sẽ lựa chọn được những ngành học vừa phù hợp với NV của bản thân, điều kiện gia đình, vừa phù hợp với điểm thi mà mình đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý đây mới là mức điểm sàn còn điểm chuẩn thực tế, theo ban tuyển sinh nhà trường dự báo có những ngành điểm chuẩn lên tới 27-28 điểm căn cứ kết quả phân tích dữ liệu điểm thi THPT quốc gia và số lượng thí sinh, cũng như số lượng NV đăng ký xét tuyển vào trường.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố mức điểm sàn xét tuyển vào trường năm 2019 là 18 điểm, không thay đổi so với năm trước.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM từng công bố dự kiến điểm sàn với hai mức 18 điểm (chương trình đại trà) và 17 điểm (chương trình chất lượng cao), nhưng điểm sàn chính thức công bố khiến nhiều thí sinh bất ngờ. Ngoài ngành robotics và trí tuệ nhân tạo 24 điểm, các ngành ôtô, công nghệ thông tin 21 điểm (đại trà), 20 điểm (chất lượng cao). Các ngành sư phạm tiếng Anh, cơ khí, cơ điện tử, điện-điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, logistics, công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thuật hóa học 20 điểm (đại trà), 19 điểm (chất lượng cao). Nhiều ngành khác cũng có mức điểm đại trà là 19; chất lượng cao tiếng Việt 18 điểm, chất lượng cao tiếng Anh 17,5 điểm...

ĐH Quốc gia TP HCM có điểm sàn ở các trường thành viên tăng nhẹ so với năm 2018. Đơn cử như Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có điểm sàn dao động 16,5 - 19,5 (tùy ngành). Trường ĐH Khoa học tự nhiên điểm sàn 16-19 (tùy ngành). Trường ĐH Kinh tế - luật điểm sàn là 19. Trường ĐH Bách khoa 18 điểm.

ĐH Quốc gia Hà Nội cũng công bố điểm sàn của các trường thành viên, trong đó ĐH Kinh tế lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2019 là 16 điểm. Khoa Luật từ 16,5-17 điểm tùy ngành. Khoa Quốc tế lấy 15-16 điểm. ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn có mức điểm sàn từ 15-19 điểm.

Học viện Ngân hàng thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối hệ ĐH chính quy dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 là 18 điểm, cao hơn năm 2018 từ 1-2 điểm.

Cân nhắc cơ sở học phù hợp

Tại ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 do Bộ GDĐT phối hợp với các đơn vị tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Đào Tùng - Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính cho rằng, năm nay số thí sinh có tầm tổng điểm trong khoảng từ 18 đến 23 khá nhiều. Tầm từ 24 điểm trở lên thì ít hơn. Vì vậy, ông Tùng dự báo những trường có điểm chuẩn năm ngoái từ 18 đến 23 chắc chắn năm nay sẽ tăng so với năm 2018. Còn lại các ngành, trường năm ngoái có mức điểm từ 24 trở lên thì năm nay điểm chuẩn có thể nhích lên nhưng sẽ không tăng quá cao so với năm ngoái. Đối với những trường năm ngoái mà điểm chuẩn dưới 18 thì có thể mức điểm chuẩn năm nay sẽ có nhiều biến động, trong khoảng từ 3 điểm.

Từ dự báo chung về tình hình điểm chuẩn các trường, nhiều chuyên gia phân tích dự đoán điểm chuẩn của các trường sẽ nhích nhẹ so với năm 2018. TS Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, năm nay, mức điểm sàn vào trường ở 2 cơ sở Hà Nội và TP HCM là 20,5; tại cơ sở Quảng Ninh, mức điểm sàn thấp hơn với 17 điểm. Qua phân tích sự biến động về phổ điểm của năm 2019 so với năm 2018, có thể thấy là có nhích lên một chút, điểm trung bình của các môn đều nhích lên một chút so với năm 2018. Dự kiến điểm chuẩn trường ĐH Ngoại thương sẽ nhích lên một chút. Thí sinh có thể căn cứ vào điểm chuẩn trúng tuyển của năm 2018 để suy luận về điểm chuẩn của năm 2019 có thể cao hơn một chút. Bà Hương cũng lưu ý, khi phân tích điểm trúng tuyển của trường ĐH Ngoại thương thì có thể phân tích theo lượng thí sinh có điểm mỗi bài từ 7,5 trở lên.

Một đặc điểm khác dễ nhận thấy qua công tác tuyển sinh nhiều năm qua đó là điểm sàn - điểm chuẩn vào các phân hiệu thường thấp hơn so với cơ sở 1. Chẳng hạn, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội có mức điểm sàn khá thấp dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP HCM và Quảng Nam từ 12-17 điểm.

Trường ĐH Nông lâm TP HCM công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào các ngành học tại cơ sở TP HCM từ 15-18 điểm trong khi tại hai phân hiệu của trường ở Gia Lai và Ninh Thuận có điểm sàn chỉ từ 13... Các thí sinh ở vùng lân cận có thể cân nhắc việc đăng ký xét tuyển tại các phân hiệu để phù hợp với năng lực và điểm thi thực tế.

Thu Hương