Sốt xuất huyết vẫn gia tăng
Hiện nay, sốt xuất huyết đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trên diện rộng khi số ca mắc phải nhập viện để điều trị không ngừng tăng. Theo các chuyên gia y tế, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết ở thể nặng có thể gây biến chứng dẫn đến tử vong.
Khi bị sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để điều trị.
1 tuần 169 ca mắc mới
Những ngày vừa qua, sốt xuất huyết (SXH) khiến ngời dân không khỏi lo lắng vì bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho thấy, trong tuần từ ngày 15/7 đến ngày 21/7, toàn thành phố đã ghi nhận 169 trường hợp mắc SXH Dengue, 16 ca mắc sởi và 18 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng và không có trường hợp tử vong do dịch bệnh trong tuần.
Theo đó, 169 ca mắc SXH Dengue được ghi nhận trong tuần phân bố tại 20 quận, huyện và 82 xã, phường. Cộng dồn từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố đã có 1.372 trường hợp mắc SXH Dengue, không có trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã với 275/584 (chiếm 47%) xã, phường, thị trấn.
Hiện, còn 140/1.372 bệnh nhân đang điều trị SXH (chiếm 10%), 1.232/1.372 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 90%).
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay thời tiết nắng nóng mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Kết quả giám sát vật trung gian truyền bệnh SXH tại một số khu vực trọng điểm như: Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)… cho thấy có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ gây dịch bệnh trong thời gian gần đây.
Cùng với SXH, bệnh sởi cũng có dấu hiệu rục rịch gia tăng. Trong tuần đã ghi nhận 16 trường hợp mắc sởi. Bệnh nhân mắc sởi phân bố rải rác tại 13/30 quận, huyện, 15 xã, phường. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 1.601 trường hợp mắc sởi, không có trường hợp tử vong.
Với bệnh tay chân miệng, ghi nhận thêm 18 ca mắc trong tuần. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có tổng cộng 358 trường hợp mắc sởi, không có trường hợp tử vong. Ngoài ra, trong tuần không ghi nhận bệnh nhân mắc ho gà, viêm phổi nặng nghi do virus, viêm não virus và các bệnh dịch xâm nhập nguy hiểm khác.
Tuyệt đối không tự ý điều trị bệnh
Thực tế cho thấy, nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan, thờ ơ khi phát hiện bản thân hoặc người trong gia đình mắc SXH. Không ít người cho rằng khi sốt cao thì chỉ cần ra hiệu thuốc mua thuốc kháng sinh để uống hoặc truyền dịch tại nhà là có thể chấm dứt cơn sốt, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể sau khi được truyền dịch xong.
BS Đỗ Minh Hoàng- Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho biết, hiện nay SXH vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Đến nay cũng chưa có bất cứ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào đặc hiệu với căn bệnh này, việc điều trị chủ yếu là theo dõi và chăm sóc cũng như hỗ trợ các chức năng cần thiết cho cơ thể. Chính vì vậy, khi nghi ngờ mắc SXH, người dân cần phải đi xét nghiệm để xác định tình hình bệnh sớm và có hướng điều trị kịp thời. Đặc biệt, không được tự ý sử dụng kháng sinh, không được tự ý truyền dịch tại nhà vì có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ, thậm chí là tử vong.
Bên cạnh đó, SXH còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến biến chứng nặng. Tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, từ đầu năm đến nay, đã điều trị cho hơn 300 bệnh nhân mắc SXH. Hầu hết bệnh nhân mắc SXH đều nhập viện trong tình trạng nặng, sốt cao liên tục, tiểu cầu giảm, thể trạng yếu, đau đầu, chóng mặt,…