Việt Nam luôn thực thi đầy đủ cam kết của WTO

M.Loan 25/07/2019 18:08

Ngày 25/7/2019, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về hợp tác giữa các nước ASEAN trong việc chống lại rác thải nhựa trên đại dương, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

 Việt Nam luôn thực thi đầy đủ cam kết của WTO

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

“Ngày 22/6, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 34, lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển ở khu vực ASEAN và Khung Hành động ASEAN về rác thải biển, trong đó cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm ứng phó hiệu quả trước tình trạng rác thải biển, trong đó có rác thải nhựa; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, nhà nước và tư nhân; xây dựng năng lực và chia sẻ thực tiễn tốt giữa các nước ASEAN cũng như huy động sự hỗ trợ của các đổi tác; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cả cộng đồng trong vấn đề này; thúc đẩy các chương trình hành động cấp quốc gia và khu vực nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và quản lý tình trạng rác thải biển.

Việt Nam coi rác thải biển là vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và sẵn sàng cùng cộng đồng khu vực và quốc tế xây dựng các cơ chế, quy định, nhằm thúc đẩy hợp tác giải quyết vấn đề rác thải biển. Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, với mục tiêu không sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc xử lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, nằm trong Danh mục Phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014, và các văn bản pháp luật liên quan. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên Môi trường đã và đang ban hành các văn bản pháp luật, theo hướng yêu cầu chất lượng phế liệu cao hơn.

Các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trong đó bao gồm các biện pháp như buộc tái xuất hoặc tiêu hủy các lô hàng, xử phạt hành chính và tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Ấn Độ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

"Việt Nam luôn thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký.

Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ nói chung, quan hệ kinh tế - thương mại nói riêng, đang phát triển tốt đẹp. Các vấn đề thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng tham gia, bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước".

M.Loan