Ngành may gặp khó
Ngành may mặc nước nhà đang ngày càng có chỗ đứng ở cả thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới. Những thương hiệu như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Canifa… đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng với đó, ngành hàng may mặc nước nhà cũng đang phải đối diện với vấn nạn hàng giả hàng nhái tràn lan.
Ngành may mặc đang bị hàng giả, hàng nhái trà trộn một cách tràn lan. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Trên các tuyến phố ở Hà Nội, đâu đâu người ta cũng bắt gặp những shop bán các thương hiệu may mặc nổi tiếng như May 10, Canifa, An Phước, Việt Tiến… Dạo qua một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội người tiêu dùng có thể tới các cửa hàng bất kỳ cũng thấy các sản phẩm may mặc này. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng bán hàng “chuẩn” các thương hiệu nói trên.
Chị Trần Thu Hà, một chủ shop quần áo trên phố Chùa Bộc (Hà Nội) cho biết, hiện nay do các sản phẩm “made in Vietnam” ngày càng được ưa chuộng nên nhiều đối tượng kinh doanh đã vì lợi nhuận nhập hàng rẻ tiền về gắn các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam để bán cho người tiêu dùng.
Thực tế này đang khiến các DN may mặc của Việt Nam lâm vào thế khó. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành may mặc thời trang Việt Nam đang ngày càng phát triển trên thị trường, nhiều thương hiệu may mặc đã xuất hiện và được người tiêu dùng ưa chuộng, đó là tin vui cho các DN ngành may mặc nước nhà, song đi kèm với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái các thương hiệu may mặc nổi tiếng của Việt Nam cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn. Các nhãn hàng như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10… bị làm giả, làm nhái trên thị trường khá phổ biến. Thực trạng này đang làm ảnh hưởng đến uy tín của các DN may mặc nước nhà, bên cạnh đó đang gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng thẳng thắn nêu vấn đề, việc phát triển thị trường nội địa của DN may đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu đang bày bán tràn lan trên thị trường. Khi sản phẩm sản xuất ra bị làm giả, làm nhái, sẽ khiến DN làm ăn chân chính bị kìm hãm sản xuất, kinh doanh, yếu sức cạnh tranh và khó bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của chính mình.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho biết, nhiều thương hiệu nổi tiếng của ngành may mặc đang bị làm nhái. Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới các thương hiệu dệt may trong nước, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của DN, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Theo cơ quan quản lý thị trường (Bộ Công thương), thực trạng hàng giả hàng nhái vẫn đang là vấn nạn nhức nhối gây bức xúc trong dự luận. Tuy nhiên, nguyên nhân một phần cũng vì người tiêu dùng đang quá dễ dãi, sẵn sàng sử dụng các sản phẩm rẻ tiền. Đây chính là hành vi tiếp tay cho vấn nạn hàng giả hàng nhái.
Số liệu thống kê của ngành Công thương cho thấy, hàng năm, lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý hơn 100.000 vụ việc liên quan hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; trong đó, sản phẩm dệt may thời trang chiếm phần lớn.
Để ngăn chặn thực trạng này, bảo vệ ngành may mặc trong nước, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nhà quản lý, các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát thị trường, phải có trách nhiệm hơn để đảm bảo uy tín của thương hiệu. Cùng với đó, người tiêu dùng cũng không thể quá dễ dãi sử dụng các sản phẩm may mặc rẻ tiền bởi đó là hành vi tiếp tay cho vấn nạn hàng giả hàng nhái. Về phía các DN may mặc, theo vị Chủ tịch Vitas, các DN phải chủ động thực hiện những giải pháp tự bảo vệ mình như: đăng ký bảo hộ kiểu dáng; tổ chức nội bộ kiểm tra cửa hàng, đại lý, cơ sở sản xuất hàng giả. Đặc biệt, cần mạnh mẽ đấu tranh chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái bằng cách vạch trần các chiêu trò làm giả, làm nhái, tố cáo với cơ quan quản lý…