Nữ văn sĩ Pháp Francoise Sagan (1935-2004): Đồng hành với phiêu lưu
Mặc dù từng thử sức trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật nhưng tác giả “Buồn ơi, xin chào!”, bà Francoise Sagan, đọng lại trong tâm trí hậu thế trước hết vẫn chỉ là với tư cách một nhà văn.
Theo lời nhiếp ảnh gia Denis Westhoff (sinh năm 1962), người con trai duy nhất của Francoise Sagan, di sản văn học mà bà để lại khoảng gần bốn mươi tác phẩm, trong đó có các tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản sân khấu và kịch bản phim. Bà cũng từng đạo diễn một bộ phim nhưng đã không đạt thành công trong lĩnh vực điện ảnh. Năm 1950, Sagan từng cùng với đạo diễn lừng danh Roger Vadim chung tay dựng một vở ballet nhưng tác phẩm này cũng đã gặp phải sự ghẻ lạnh của công chúng trong thời gian được trình diễn trên sân khấu nhà hát Champs-Elysees. Nói tóm lại, mặc dù từng thử sức trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật nhưng tác giả “Buồn ơi, xin chào!” đọng lại trong tâm trí hậu thế trước hết vẫn chỉ là với tư cách một nhà văn.
Giữa những đam mê
Francoise Sagan, họ thật là Quoriez, sinh ngày 21/6/1935, là con út trong một gia đình khá giả sống ở vùng Dauphine. Cụ nội của bà là người Nga xuất thân từ St. Peterburg. Ngay từ khi còn học phổ thông, Francoise đã tỏ ra có trí tuệ vượt trội so với các bạn đồng lứa và một tinh thần phản kháng bẩm sinh đối với mọi thứ kỷ cương, phép tắc đang ngự trị trong môi trường giáo dục thiên chúa giáo. Cô cũng không hề giống mẹ ở sự đam mê cuộc sống thượng lưu phù phiếm và cũng không tỉnh táo lý trí tính toán như cha... Một cô bé sống bản năng hoàn toàn! Chính vì thế nên Francoise đã phải thay đổi khá nhiều trường học ở Pháp và Thụy Sĩ... Và cô bé cũng sớm say mê đọc sách, rất thích các tác giả như Jean Cocteau, Arthur Rimbaud, Stendhal, William Faukner, Ernest Hemingway, Paul Eluard, Albert Camus, Francis Scott Fitzgerald, Andre Malraux, Jean-Paul Sartre và đặc biệt là Marcel Proust… Cô đọc Proust từ năm 14 tuổi. Chính nhờ nhà văn này mà Francoise đã thay đổi tư duy về cuộc đời mình, không tin vào chúa nữa dù vẫn giữ niềm tin vào thiên thần hộ mệnh… Khi bước vào nghiệp cầm bút, nữ văn sĩ đã lấy bút hiệu Francoise Sagan chính từ cảm hứng về nhân vật công chúa Sagan trong tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust.
Tác phẩm đầu tay với nhan đề là một câu thơ của Paul Eluard “Buồn ơi, xin chào!”, xuất bản năm 1954, khi Francoise Sagan mới 19 tuổi, đã ngay lập tức “đổi đời” tác giả của nó (trước đó một năm, Francoise đã gặp phải thất bại đầu đời khi cô không thể nào thi đậu vào đại học Sorbonnes). Cả giới phê bình lẫn độc giả đều nồng nhiệt chào đón cuốn sách này. Nhà văn nổi tiếng Francois Mauriac, người được trao giải Nobel văn học năm 1952, đã gọi tác giả “Buồn ơi, xin chào!” là “một quái vật đầy quyến rũ”. Cuốn sách ngay lập tức đã nhận được giải thưởng của các nhà phê bình văn học đầy danh giá. Sagan đã gây sốc cho các bậc thầy của tầng lớp trung lưu Pháp bằng câu chuyện kể đơn sơ nhưng rất tinh tế và hấp dẫn về một cô bé vị thành niên, nhạy cảm và nông nổi, dám cả gan đánh lừa người cha phóng đãng cùng nhân tình của ông mà cô bé không thích. Tiểu thuyết phản ánh trước hết thế giới nội tâm của chính Sagan mà cho tới cuối đời vẫn không thay đổi: một thế giới nội tâm thượng lưu kết cấu từ những người rỗi hơi và nông nổi, luôn luôn mải miết đi tìm một thực tế có tính thuyết phục hơn thế giới mà họ đang phải sống cùng. “Buồn ơi, xin chào!” không chỉ phản ánh một thời đại ham hố sắc dục mà còn là khởi đầu cho một phong cách trong dòng tiểu thuyết nữ… Tiểu thuyết đã mau chóng được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim…
Nhưng cũng thật trớ trêu, niềm vinh quang giàu có sớm đến đó lại trở thành gánh nặng lắm lúc trở thành quá sức đối với Sagan, gây nên cho cuộc sống của bà rất nhiều phiền toái và trắc trở. Suốt đời bà đã phải tựa vào nỗi buồn mà sống và chỉ tìm thấy niềm vui thực sự ở trong những trang văn. Những người đàn ông đến với bà trong đời đều mang lại cho bà vị đắng nhiều hơn là sự ngọt ngào. Có lẽ cũng chính vì thế mà Sagan sau này đã được biết tới nhiều với những mối quan hệ đồng tính…
Người đàn ông đầu tiên có ảnh hưởng tối quan trọng đến cuộc đời của Sagan là Guy Schoeller, biên tập viên ở nhà xuất bản Hachette. Chính Schoeller đã giúp in và phát hành rất rầm rộ tác phẩm đầu tay của Sagan “Buồn ơi, xin chào!”. Chỉ trong vòng một năm đã có tới hơn một triệu bản sách được in và phát hành không chỉ riêng tại Pháp và bằng tiếng Pháp. Vai trò của Schoeller trong sự thành công tới chóng mặt của “Buồn ơi, xin chào!” lớn đến mức về sau, nữ văn sĩ có lần đã nói, thực ra chất lượng nghệ thuật của tiểu thuyết không cao như người ta tưởng nhưng Schoeller đã giúp cho cuốn sách lên được tầm cao hơn chính giá trị thực của nó. Sagan cảm phục Schoeller đến mức năm 1958 (ngày 13-3), hai người đã làm lễ cưới: chú rể nhiều hơn cô dâu tới 20 tuổi (Schoeller sinh năm 1915). Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của họ đã không được bền lâu. Schoeller vốn là một “tay chơi” khét tiếng trong giới thượng lưu Paris thời đó, thường xuyên trượt trong những cuộc tình chóng vánh như fast-food từ mỹ nhân này sang mỹ nhân khác. Trước mặt vợ, Schoeller thường tự biện bạch bởi lý do “sinh học”: đàn ông sinh ra là đã được thiên phú nhu cầu “năm thê bảy thiếp”, thậm chí còn nhiều hơn thế nữa. Chính tư duy được màu sắc hưởng thụ đến trác táng này của Schoeller đã đầu độc tâm hồn còn non trẻ của Sagan, khiến nữ văn sĩ dường như mất lòng tin vào tình cảm lứa đôi đích thực. Và chỉ sau hơn hai năm chung sống, Sagan đã cảm thấy “ngán tận cổ” đức ông chồng Don Juan của mình. Và họ đã li dị nhau vào tháng 6/1960. Tuy nhiên, ảnh hưởng tai hại của Schoeller đối với Sagan sẽ còn tồn tại lưu niên cho tới những ngày cuối cùng của Sagan trên cõi thế.
Nhuận bút có được từ “Buồn ơi, xin chào!” cũng ảnh hưởng không mấy hay ho tới Sagan. Người ta kể lại rằng, nhận được một triệu rưỡi quan tiền bán sách bất ngờ có được, Sagan đã tới hỏi cha mình xem phải làm gì với kho báu đó. Cha bà đã nói luôn, phải tiêu ngay thôi con ạ, vì đối với con, càng lắm tiền, càng lắm tai họa. Sagan đã ngay lập tức tìm đủ mọi trò để “đốt tiền”: những cuộc du hí “nghìn vàng đổi lấy trận cười như không”, rồi các thú vui nghiện ngập và rất cám dỗ... Sagan cảm thấy mình như một cánh chim tự do, không bị ai ràng buộc và cũng không muốn ràng buộc ai. Sau này, có lần bà tâm sự: “Tôi sống như diễn viên đóng thế trong các pha mạo hiểm…”
Điều duy nhất đã cứu Sagan khỏi một kết cục đen tối ngay từ trẻ, đó là văn học. Trời phú cho bà một tài năng không tầm thường và một niềm tin bất di bất dịch vào sứ mệnh sáng tạo của mình. Và ngòi bút đã tỏa ra ánh sáng dẫn dắt Sagan vượt qua các cạm bẫy của giới thượng lưu Paris.
Tuyệt vọng cùng yêu
Muốn nói gì thì nói, chia tay với Schoeller rồi nhưng trong trái tim Sagan (khi ấy mới ngoài 20 tuổi một chút) vẫn không lịm tắt một ước mơ về tình yêu đích thực, dù bên ngoài nữ văn sĩ luôn tỏ ra kiêu hãnh bất cần đời. Những mối quan hệ thoáng qua không thể làm nguôi cơn khát hạnh phúc. Tuy nhiên, trong đời mình, Sagan chỉ thêm một lần nữa bị ảo ảnh hôn nhân cuốn hút. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trong một tiệc vui, nữ văn sĩ bất ngờ gặp Bob Westhoff, một người Mỹ tự xưng mình là hoạ sĩ làm gốm. Westhoff khi đó sang chơi cùng một đồng nghiệp, vốn là bạn cũ của Sagan. Denis Westhoff, người con trai duy nhất của họ, kể: “Cha tôi là người rất phóng túng. Thoạt tiên ông ấy phục vụ trong quân đội. Rồi ông ấy trở thành một trong những người mẫu nam đầu tiên ở Mỹ và với cái nghề này đã sang châu Âu để tìm sinh kế. Và cha tôi đã làm quen với mẹ tôi tại đây. Ông ấy thực ra chả có nghề ngỗng gì nghiêm túc cả. Ông ấy chả biết làm gì và chỉ thích vui vẻ trẻ trung giết thời gian với bạn bè trong nhóm của mẹ tôi thôi”… Denis cũng cho biết: “Cha tôi là một người đàn ông rất ấn tượng, tóc thẫm màu, vai rộng, cao to, mắt xanh, ông hẳn trông rất nổi bật giữa đám đông thượng lưu Paris toàn những người thấp nhỏ, râu ria không cạo, trông nhầu nhĩ và luôn luôn ngà ngà say. Mẹ tôi nói rằng trông ông đã giống như những tay chăn bò trong ảnh quảng cáo thuốc lá Marlboro, có thiếu thì chỉ thiếu cái mũ cao bồi thôi. Cha tôi đã đi cùng ông bạn người Pháp tới mọi tiệc vui của giới thượng lưu và ở đâu thì anh chàng hoạ sĩ kì lạ đều được đặc biệt chú ý. Trong một bữa tiệc như thế, Westhoff bỗng để ý thấy một phụ nữ trẻ tóc thẫm màu (mẹ tôi lúc đó còn chưa nhuộm tóc màu vàng) mà người ta giới thiệu với ông rằng đó là Francoise Sagan, nữ văn sĩ trẻ thời thượng nhất lúc đó. Hai người lập tức mê nhau như bị sét đánh. Nhưng... làm thế nào để duy trì mối quan hệ đây? Bởi vì mẹ tôi thì không nói tiếng Anh, còn cha tôi lại chẳng biết một câu tiếng Pháp nào. Về sau mới rõ là, không trò chuyện bằng ngôn ngữ cũng không sao, một khi đã nảy nở tình yêu! Không lâu sau đó, ông bạn chung cùng cô bạn gái đã mời mẹ tôi và bố tôi tới trang trại ngoại ô chơi. Vì cặp đó liên tục cãi nhau nên mẹ tôi và bố tôi đành phải lặng lẽ rời khỏi trang trại đi dạo ở các con đường cảnh rất đẹp quanh đó...
Thực sự là chính tôi cũng không hiểu là họ đã trò chuyện cùng nhau như thế nào. Năm 1961, mẹ tôi có mang tôi và ngày 10/1/1962, hai người đã làm lễ thành hôn: trong tiệc cưới, khách khứa đã cảm thấy hơi lạ lẫm với cái bụng đã lùm lùm của cô dâu. Chẳng bao lâu sau, tôi đã cất tiếng khóc chào đời... Cha tôi chuyển về ở cùng mẹ tôi trong một căn hộ sang trọng mới tậu ở trung tâm Paris”...
Bob Westhoff cũng mang trong mình dòng máu nghệ sĩ đậm đặc nên vì duyên mới đã quên bẵng cả đường về nước Mỹ. Khi cha mẹ ông mất rất nhiều công sức mới tìm ra con trai mình ở Paris, gọi điện thoại giục trở về nhà, Bob đã đáp: “Không, ở Paris con đã tìm được người vợ lý tưởng của mình rồi, con sẽ ở lại đây vĩnh viễn”...
Tuy nhiên, không có gì trên đời này là vĩnh viễn cả. Trái tim từng bị ngộ độc bởi cuộc hôn nhân thứ nhất sẽ rất khó nuôi dưỡng lâu bền cuộc hôn nhân thứ hai. Khi con trai chung của họ mới chỉ vài tháng tuổi, Bob Westhoff và Francoise Sagan đã ký giấy li dị nhau. Bob ở lại trong ngôi nhà Paris thêm sáu năm nữa rồi mới quay về Mỹ. Họ không còn là vợ chồng nữa nhưng không phải vì thế mà tuyệt tình bằng hữu. Điều này phần nào giúp cho đứa con trai chung duy nhất của họ bớt bị tổn thương tâm lý.
Hiện nay, Denis Westhoff sống ở Paris, là một nhiếp ảnh gia thành đạt chuyên chụp cho các tạp chí đắt tiền. Anh luôn hồi tưởng lại cha mẹ mình với một tình cảm bao dung và thấu hiểu. Anh hiểu rằng, mẹ anh không sinh ra để thực hiện chức phận phụ nữ thông thường, mà bà đã là một nhân cách sáng tạo với những rạng rỡ và tăm tối của nghiệp chướng này. Bà đã hiến cho đời những tác phẩm văn học bất hủ và đã can đảm vác trên đôi vai mỏng mảnh nữ nhi cây thánh giá của những biến thái tâm lý mà một người sáng tạo nào cũng không thể tránh khỏi. Sau khi mẹ qua đời, Denis đã tâm sự: “Mẹ tôi đã rất quan tâm tới tôi. Nhưng bà không phải típ người mẹ tự tay mạng tất cho con. Bà đã rất chú ý tới điểm học của tôi trong trường phổ thông, bảo vệ tôi thoát khỏi các nhiếp ảnh gia paparazzi và những thị phi, làm tất cả mọi điều để tôi có được một học vấn tốt và không sa vào nghiện hút hay nát rượu”…
Trong vòng danh lợi
Francoise Sagan từng kết thân với đủ các loại người. Bà có nhiều tình bạn lớn. Đặc biệt, Tổng thống Pháp Francois Mitterand rất quý mến Sagan. Hai người lần đầu tiên làm quen với nhau ở sân bay khi Mitterand còn chưa trở thành ông chủ điện Elysee. Họ trò chuyện với nhau chỉ mấy câu thôi là đã cảm thấy rất tâm đầu ý hợp. Tình bạn của họ chân thành và giản dị. Ông Mitterand không hề cảm thấy bối rối khi ngồi với nữ văn sĩ mà tên họ lúc nào cũng bị dính dáng tới những chuyện tai tiếng đời thường ầm ĩ. Còn Sagan sau này lại luôn luôn cảm thấy ấn tượng với việc ông Mitterand là nhà nguyên thủ quốc gia duy nhất ở Pháp không bao giờ đòi hỏi phải dọn đường riêng cho mình đi - đã không chỉ một lần ông chấp nhận bị tắc đường như mọi công dân Pháp khác.
Cũng Denis Westhof kể: “Mitterand là một người rất thông tuệ, một bạn trò chuyện tuyệt vời. Ông ấy thường xuyên đến nhà chơi với mẹ tôi. Mỗi lần, đến đúng giờ hẹn, mẹ tôi lại nhìn ra cửa sổ, đón cỗ xe hơi màu đen mà những vệ sĩ cung kính chạy tới mở cửa và đưa quý ông mặc áo bành tô đen tới tận lối lên nhà tôi. Có một bận họ ngồi trò chuyện trong gian bếp, bỗng nhiên ông Mitterand thận trọng ngỏ ý rằng nếu có gì đó ấm bụng thì cũng không hề tồi chút nào. Cũng cần phải nói rằng, mẹ tôi rất dửng dưng với đồ ăn thức uống, bà không có món ăn nào gọi là ưa thích cả, có sẵn cái gì thì bà ăn cái nấy, như thể đó chỉ là năng lượng cần nạp để duy trì cho bộ máy sự sống chạy. Mặc dầu vậy nhưng bà bếp cũng cố gắng trữ trong tủ lạnh đủ thực phẩm để nếu cần thì mẹ tôi có thể có được đồ ăn ngon miệng. Thấy Tổng thống nói muốn ăn, mẹ tôi lục trong tủ lạnh một lúc rồi lôi ra cái cạp lồng mà trong đó còn ít súp thừa mà tôi để lại sau khi ăn lúc đi học về. Trước con mắt kinh ngạc của Tổng thống, mẹ tôi điềm nhiên đưa cạp lồng vào dưới vòi nước máy để chế thêm nước vào. Để đủ cho hai người ăn - mẹ tôi phân bua. Rồi mẹ tôi đã hâm cạp lồng súp đó rất lâu và rất vụng, đến mức không thể nào ăn được nó, đành phải gọi điện thoại tới nhà hàng đặt món”...
Sagan không phải là người khéo tay trong chuyện nội trợ nhưng không vì thế mà Tổng thống Mitterand bớt thương quý nữ văn sĩ… Mùa thu năm 1985, Tổng thống Mitterand đã đề nghị Sagan tháp tùng ông sang Columbia trong một chuyến thăm chính thức của Tổng thống Pháp. Nữ văn sĩ được dành cho một căn phòng sang trọng ở trung tâm thủ đô Bogotha, trên độ cao 2600 m. Đối với một phụ nữ nghiện thuốc lá lâu năm như Sagan, điều này không mấy hay ho. Chỉ sau vài giờ ở đó, Sagan đã bị bất tỉnh nhân sự. Tất nhiên, bộ máy y tế siêu hạng đã giúp bà hồi tỉnh lại nhưng hệ lụy tai hại vẫn còn lại, khiến bà về sau không bao giờ có được phong độ sức khoẻ như cũ nữa... Cũng theo lời kể của Denis, mặc dù Mitterand vốn nổi tiếng là “sát gái” nhưng giữa nữ văn sĩ với Tổng thống Pháp không hề có chuyện gì giăng hoa. Đơn giản là hai người khâm phục lẫn nhau thôi…
Của đáng tội, tình bạn giữa Sagan với ông Mitterand không chỉ giúp hai người có được những giây phút giao tiếp tuyệt vời mà đôi lúc cũng đã gây nên những chuyện phiền toái. Số là, trong những năm 90, Sagan đã gặp gỡ với một doanh nhân khét tiếng tên là Andre Guelfi, biệt danh là Dede Sardine. Biết nữ văn sĩ có quan hệ tốt với Tổng thống Mitterand, doanh gia nhiều chiêu này nhờ Sagan giúp tổ chức gặp gỡ với người đứng đầu nước Pháp để tính chuyện làm ăn liên quan tới việc thăm dò các mỏ dầu ở Uzbekistan mà tập đoàn Elf của Pháp dự định sẽ triển khai. Nể tình, Sagan đã viết gửi Mitterand lá thư đề nghị ông tiếp một đặc sứ cao cấp của Uzbekistan. Thoạt tiên, Tổng thống Pháp đã từ chối và trả lời Sagan rằng “Tôi không biết là chị lại còn vào cả vai Mata Hari nữa”… Tuy nhiên, sau đó cuộc gặp vẫn diễn ra… Khi chuyện này được báo chí phát giác, Andre Gielfi tuyên bố rằng ông ta đã trả cho Sagan số tiền tương đương với nhiều triệu euro như chi phí thanh toán cho công môi giới… Hai tháng sau khi người kế nhiệm ông Mitterand là Jacques Chirac đắc cử Tổng thống Pháp, cơ quan điều tra thuế đã tới nhà nữ văn sĩ. Theo lời kể của Denis, quá trình điều tra cho thấy, Sagan còn nợ tới một triệu euro tiền thuế. Ở thời điểm đó, dĩ nhiên là nữ văn sĩ không thể có số tiền lớn như vậy. Rốt cuộc là cơ quan thuế Pháp đã khóa tất cả các tài khoản của bà. Sagan, như lời Denis kể lại, “đã bị phá sản. Bà bị tịch thu nhà, đồ gỗ, những khoản tiền nhuận bút mà các nhà xuất bản trả cho bà”… Chính vì thế nên những năm cuối đời, Sagan vừa phải phải chiến đấu lại nhiều căn bệnh luôn hành hạ bà lẫn những rắc rối tài chính và pháp lý. Trước khi bà qua đời không lâu, nhà văn Pháp Frederic Begbeder, người sáng lập ra giải thưởng Café de Flore, đã uổng công kêu gọi chính quyền: “Nước Pháp đang giết dần giết mòn thiên tài văn học cuối cùng của mình. Tôi rất xấu hổ vì đất nước của tôi. Khi Sagan mất đi, tất cả sẽ tới mộ của bà nghiêng mình tưởng nhớ. Ôi những nhà cai trị vô học, người ta vẫn nhớ tới Sagan khi các người đã bị quên lãng từ lâu”…
19h45 ngày 24/9/2004, sau 19 ngày nằm hôn mê trong bệnh viện, Sagan đã trút hơi thở cuối cùng, để lại dang dở tập tiểu thuyết mà bà định viết về chính cuộc đời mình. Không hiểu phút lâm chung bà có nhớ lại câu than thở cũ của mình không: “Hạnh phúc thực ngắn ngủi và giả tạo. Chỉ có nỗi buồn mới vĩnh cửu”...