Nan giải câu chuyện “một ông chủ, nhiều đội bóng"
Ông bầu Đoàn Nguyên Đức của đội bóng HAGL từ trước đến nay đã có nhiều phát biểu khiến dư luận dậy sóng xung quanh bóng đá nước nhà. Mới đây, ông lại đề cập đến một vấn đề chẳng mới nhưng đã tồn tại bao năm qua ở bóng đá quốc nội - đó chính là cảnh 1 ông chủ nhiều đội bóng. Ông khẳng định: HAGL hay bất kỳ CLB nào khác ở V-League sẽ rất khó vô địch khi phải chống lại một nhóm CLB được cho là cùng “chủ sở hữu”.
Phát biểu gây “bão”
Ông Đoàn Nguyên Đức đã phát biểu gây sốc khi thách thức CLB TP HCM vô địch V-League 2019. Thời điểm bầu Đức đưa ra tuyên bố này thì CLB TPHCM đang dẫn đầu bảng xếp hạng V-League 2019, bỏ cách CLB Hà Nội 2 điểm. Lời thách đố của ông có lẽ không phải có ý xem thường đội bóng đang đứng đầu bảng mà là để đả kích tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng. “Tôi dám khẳng định Việt Nam không có đội nào vô địch được, kể cả TP HCM. Đội TP HCM mà vô địch, mất gì tôi cũng mất. Tôi dám khẳng định luôn, không ai cho họ vô địch. Làm sao 1 đội đá lại 5 đội? Dù có ốm mấy, 5 người ốm đánh 1 người mập cũng chết. Bóng đá Việt Nam không dẹp được cái đó thì không bao giờ đá được. Đưa Messi về đá cũng không vô địch được, chắc chắn luôn. Thắng 5 trận không hề đơn giản, nhưng những nơi kia bụp cái là có 5 trận thắng liền” - bầu Đức chia sẻ với báo chí trong buổi lễ ký kết hợp đồng giữa Công Phượng và CLB Sint-Truidense (Bỉ) mới đây.
Đây là phát ngôn khiến nhiều người nghĩ đến những đội bóng V-League hiện tại đang có liên quan đến một ông chủ là bầu Hiển. Theo như nhiều người hiểu thì bầu Đức muốn “ám chỉ” đến đội bóng Thủ đô còn được sự hậu thuẫn từ phía 4 đội bóng khác nhằm hy vọng cán đích sớm nhất. Câu chuyện này được giới chuyên môn “mổ xẻ” suốt nhiều mùa giải qua và vẫn đang có những tồn đọng, nhưng tất cả những người liên quan vẫn cứ “nhắm mắt làm ngơ” hay không thể nào giải quyết được. Đây là điều đã được giới truyền thông nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay.
Theo đó, 5 CLB tại V-League gồm Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Quảng Nam, Sài Gòn và một dấu chấm hỏi dành cho Than Quảng Ninh, vì liên quan đến việc Ngân hàng SHB của bầu Hiển tài trợ cho đội bóng đất mỏ Than Quảng Ninh. Đó là chưa kể Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại giải hạng Nhất hiện đang dẫn đầu cũng chính là từ CLB Hà Nội B được chuyển giao, và nếu năm nay họ lên chơi ở V-League thì sẽ là 6. V-League có 14 đội mà tới 5-6 đội có liên quan đến một ông chủ thì rõ ràng là một vấn đề khiến NHM lo lắng, đặc biệt về tính minh bạch, sòng phẳng. Giả dụ 5 đội cùng “dồn sức” cho 1 đội có hội vô địch hay giúp đội kia tránh xuống hạng thì đương nhiên phần còn lại sẽ chịu thiệt. Không phải ngẫu nhiên mà không ít người nghi ngờ chức vô địch của Hà Nội FC và Quảng Nam FC trong 3 mùa V-League gần nhất. Thực tế việc ông Đỗ Quang Hiển có tầm ảnh hưởng đến các đội bóng Hà Nội và SHB Đà Nẵng từ nhiều năm qua là không bàn cãi. Các CĐV của hai đội cũng thường xuyên đưa hình ảnh của bầu Hiển lên khán đài cổ vũ như một hình thức tri ân ông bầu có công sáng lập và thêm sức sống cho đội bong, không ít lần chứng kiến cảnh bầu Hiển xuống tận sân để thưởng cho các cầu thủ Sài Gòn trong trận đấu với chính Hà Nội trên sân Hàng Đẫy. Ông Hiển cũng có mặt tại lễ mừng công chức vô địch V.League 2017 của Quảng Nam để thưởng đội bóng này đến 8 tỉ đồng. Thế nên, tất cả lại càng có cơ sở để nghi ngờ về chức vô địch không tưởng của Quảng Nam. Bởi ở trận đấu cuối cùng của mùa giải 2017, Hà Nội đã để thua kịch tính trước Quảng Ninh, qua đó chức vô địch đã về tay Quảng Nam khi thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc không tự quyết được. Đó là điều khó thuyết phục niềm tin của khán giả về kết quả các trận đấu của những “đội bóng anh em” và khiến cho phần còn lại của V.League luôn bị ám ảnh khi cạnh tranh với các đội bóng có liên quan đến bầu Hiển.
Trước những phát biểu của bầu Đức, Chủ tịch CLB TPHCM Nguyễn Hữu Thắng tỏ ý ủng hộ quan điểm này. “Bầu Đức là người rất có uy tín và có công với bóng đá Việt Nam. Ý kiến của anh Đức là làm sao cho giải đấu có sự công bằng hơn. Tôi nghĩ VFF và VPF phải trả lời cho dư luận, - cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam chia sẻ. - Một ông chủ có nhiều đội bóng ở nhiều hạng khác nhau mới đúng luật FIFA, ở cùng 1 hạng đấu thì về nguyên tắc là bị cấm thôi”...
Bó tay?
Phải khẳng định rằng, tình trạng 1 ông chủ nhiều đội bóng đã khiến VFF vào cuộc và đã từng đưa ra câu trả lời về chuyện của bầu Hiển. Điều 14 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nêu rõ: “VFF không công nhận tổ chức, cá nhân sở hữu hai CLB, đội bóng trở lên tham gia cùng một giải đấu; tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều CLB tham gia quản lý, điều hành nhiều CLB, đội bóng thi đấu cùng một giải đấu”. Vậy, tại sao bầu Hiển nhiều năm nay không bị “tuýt còi”?
Năm 2012, Thanh tra Bộ VH,TT&DL từng vào cuộc nhằm làm rõ việc bầu Hiển sở hữu nhiều đội bóng, khi đó là SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC). Nhưng kết quả thanh tra lại chỉ ra rằng, không có chuyện bầu Hiển sở hữu hai đội bóng, bởi Ngân hàng SHB hay Tập đoàn T&T hoạt động độc lập, bầu Hiển cũng không hề đứng tên bất kỳ chức danh nào ở cả hai CLB này. Chuyện được hiểu tương tự khi ông Hiển mở rộng ảnh hưởng ra Quảng Nam, Sài Gòn FC hay Than Quảng Ninh. Trong khi đó, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho rằng, những thông tin về việc bầu Hiển sở hữu nhiều đội bóng không có căn cứ về mặt pháp lý, chỉ là suy đoán nên không thể đưa ra hình thức xử lý. Tuy nhiên, cả làng bóng ai cũng hiểu chức danh chỉ là hình thức. Còn phần bản chất thì các cầu thủ, các đội đều coi ông nào là ông chủ và đều hân hoan với những phần thưởng ông móc hầu bao ra tặng cùng việc hứa đầu tư lẫn tuyên bố thành tích.
Làng bóng Việt chẳng ai quên câu chuyện sau mùa bóng 2012 khi Sài Gòn Xuân Thành không thể vô địch sau trận cuối bị Hà Nội T&T cầm chân cho SHB Đà Nẵng vô địch, ông bầu Nguyễn Đức Thụy của đội Sài Gòn Xuân Thành đã tuyên bố: “Làm bóng đá, đầu tư bóng đá tốn kém rất nhiều mà bị chèn ép. Ai cũng thấy đội Sài Gòn Xuân Thành của tôi bị một đội ôm chân, còn một đội thì được bơm điểm. Đánh kiểu đấy thì ai đánh lại. Tôi sẽ nghỉ và bỏ bóng đá vì sân chơi này bất công quá mà các anh ở VFF biết nhưng cứ để nó hủy hoại”. Kết quả là sau đó bầu Thụy bỏ đội bóng thật. Hay như chuyện sau khi chia tay bóng đá Thanh Hoá, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng từng ám chỉ rằng, “không thể vô địch khi chỉ có 1 đội bóng”. Cũng mới chỉ ở mùa giải năm ngoái, HLV Nguyễn Văn Sỹ từng nói huỵch toẹt trong một buổi 1 họp báo sau trận đấu: “Hay là thôi, họ nên tập trung tổ chức một giải trong gia đình cho nhanh gọn”…
Nói đi cũng cần nói lại, nếu không có bầu Hiển tài trợ thì một số đội bóng không đủ khả năng để có thể có mặt cũng như tồn tại ở V-League. Đây chính là cái khó, là một vấn đề nan giải mà vẫn chưa có hồi kết của bóng đá Việt Nam.
Cần câu trả lời minh bạch về tài chính các đội bóng có liên quan tới 1 ông bầu để rồi liệu việc đó có dẫn tới việc nhường cho nhau không? Nhưng quan trọng nhất vẫn phải thực hiện nguyên tắc một ông chủ chỉ được có 1 đội bóng ở một giải đấu. Như thế mới là sự công bằng cho các đội bóng khác tham gia giải đấu. Bởi lẽ nếu là nhà tài trợ chính, nguồn sống lớn nhất cho CLB mà có sự can thiệp thì chắc chắn phía CLB sẽ phải nghe và ngay cả khi không cần nói, chỉ nhìn vào nhau để sống cũng dễ xảy ra vấn đề như nhiều người lo ngại.
Những người làm bóng đá Việt hơn lúc nào hết phải được trả lời rõ ràng về nguyên nhân phát biểu của bầu Đức. Dư luận đều cho rằng dù bầu Hiển không đứng tên chủ tịch ở đội bóng nào nhưng nếu mời an ninh vào điều tra sẽ rõ ràng ngay nguồn tiền cho các đội bóng từ đâu, chuyển từ tài khoản nào và ai là ông chủ thực sự của những đội bóng này.
VPF và VFF cần thêm một lần làm rõ và có câu trả lời thực sự thuyết phục được dư luận nếu không muốn NHM mất niềm tin, mà mất niềm tin thì sẽ mất tất cả. Bóng đá cần khán giả bởi chính họ là người quyết định sự sống còn và phát triển của bóng đá. Sau nguồn cảm hứng U23, V-League đã bắt đầu kéo lại được đông đảo khán giả đến sân. Hy vọng rằng, bóng đá chỉ nên là bóng đá và không bị can thiệp hay chịu ảnh hưởng từ một thứ khác ngoài bóng đá. Nếu có điều ngược lại, V.League sẽ càng ngày càng tự rời xa khán giả. Để có thể lôi kéo sự tận tâm, nhiệt tình của những người làm bóng đá, những nhà đầu tư vào bóng đá, chỉ có niềm tin, sự minh bạch và công tâm mới có thể khiến khán giả muốn tới sân xem cũng như luôn đồng hành, ủng hộ bóng đá nước nhà. Nguy hiểm nhất chính là việc NHM sẽ không còn quan tâm tới bóng đá quốc nội.