Tận dụng lợi thế để phát triển doanh nghiệp nhà nước
Ngày 26/7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, tổ chức Hội nghị lần thứ 17, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dự, chỉ đạo và tham gia chủ trì Hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo nghị quyết công tác năm đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các mặt công tác. Các chỉ tiêu kinh doanh toàn khối so với cùng kỳ năm 2018 đều có sự tăng trưởng, tổng doanh thu tăng 6,1%, tổng lợi nhuận trước thuế tăng 0,4% và nộp ngân sách tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2018. Các doanh nghiệp (DN), ngân hàng trong Khối tiếp tục đi đầu thực hiện công tác an sinh xã hội và Nghị quyết 30a của Chính phủ, với tổng kinh phí ước thực hiện trên 1.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 12, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những việc mà các đơn vị trong khối DN Trung ương làm tốt trong thời gian qua. Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh: Những nội dung cơ bản của Nghị quyết tập trung vào quản trị DNNN. Qua theo dõi, 3 năm qua quản trị của DNNN chưa thay đổi về cơ bản. Thứ nhất là cơ chế chính sách của Nhà nước, hai là trong Nghị quyết cũng nói rõ phải có thay đổi cơ bản về cơ chế tài chính cho DNNN để DNNN cạnh tranh bình đẳng trong cùng mặt bằng pháp luật như các thành phần kinh tế khác.
“Chúng ta đã làm chưa hay vướng chỗ nào sửa mỗi chỗ đấy, sửa mãi, nếu không có thay đổi toàn diện thì nay bục chỗ này, mai bục chỗ khác, cứ chắp vá mãi sao?”- ông Bình nói và cho biết thêm: Có nhiều ý kiến cho rằng, khi hỏi DN tư nhân thì họ bảo mơ ước được có cơ chế như DNNN, xong DNNN thì lại bảo chúng tôi mơ ước được cơ chế như DN tư nhân. Thế có nghĩa là 2 bên cứ mơ về nhau. Qua cái mơ đó thì chúng ta thấy rằng, có điều gì đó là điểm chung, có gì đó là lợi thế, nếu chúng ta biết tận dụng thì ta phát huy được. Kinh tế tư nhân mơ về DNNN chính là cơ chế phân bổ các tài nguyên, nguồn lực. DNNN biết mình được giao nguồn lực nhưng cơ chế không cho phép mình làm, nếu mình có nguồn lực rồi mà có cơ chế như tư nhân thì nhất. Đấy chính lời giải của Nghị quyết 12”- ông Nguyễn Văn Bình nói.