Xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật

V.N. 27/07/2019 08:00

Thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, sáng 26/7, tại Ninh Thuận, Cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Bảo vệ thực vật  phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận tổ chức bàn giao gần 600 kg rác thải thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng và thuốc thành phẩm được thu giữ cho Tập đoàn Lộc Trời vận chuyển đi tiêu hủy.

Xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật

Bàn giao lượng rác thải thuốc bảo vệ thực vật để vận chuyển đi tiêu hủy.

Ông Phạm Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn bộ số lượng rác thải nông nghiệp trên được Chi cục phối hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên, các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thu gom trong nhiều ngày tại đồng ruộng các địa phương của huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Đa phần rác thải thuốc bảo vệ thực vật được thu gom là các loại chai nhựa, bịch nhựa, chai thủy tinh… được người nông dân sử dụng phun cho cây trồng và bỏ ngoài đồng. Bên cạnh đó, thuốc thành phẩm là những loại thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không nằm trong danh mục quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế kiểm tra, thu giữ tại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Ngô Quốc Tuấn, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, việc sử dụng phân bón và thuốc hóa học không đúng cách đã khiến cho việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho sản phẩm nông sản gặp không ít khó khăn. Cùng đó, tình trạng người nông dân vứt bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi sau khi sử dụng, không được xử lý đúng cách đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, chất lượng nông sản và cả vấn đề về sức khỏe của chính người nông dân.

Ngoài việc thu gom, xử lý rác thải, chương trình “cùng nông dân bảo vệ môi trường” còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; hướng dẫn nông dân từ khâu sử dụng nông dược an toàn cho đến khâu tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Chương trình cũng hướng dẫn, áp dụng chương trình “công nghệ sinh thái”, thực hiện mô hình ruộng lúa, bờ hoa để dẫn dụ thiên địch, kiểm soát các loại sâu gây hại, thiết lập sự cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, giảm vấn đề xử lý bằng nông dược, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, chương trình “cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã thu gom tổng cộng 13.755 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật các loại đã qua sử dụng, được vận chuyển đi tiêu hủy một cách an toàn. Ngoài ra, chương trình đã phát 21.500 bao chứa chuyên dụng, xây thêm 105 hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; đồng thời tổ chức 139 lớp tập huấn cho gần 5.000 nông hộ ở 22 tỉnh/thành phía Nam.

Trong 7 năm qua, chương trình đã hình thành 167 mô hình tiêu biểu tại các xã xây dựng nông thôn mới ở 22 tỉnh, thành với các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao được thực hiện trên diện tích gần 8.300 ha và có sự tham gia trực tiếp của hơn 7.700 hộ nông dân.

V.N.