Cần nhìn thẳng vào những mặt chưa được
Chiều 26/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia Đổi mới GDĐT giai đoạn 2016-2021, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông là chủ đề được Bộ GDĐT lựa chọn trình Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực xem xét, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về nội dung này.
Cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, lấy học sinh làm trung tâm. Nguồn: vnmedia.vn.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược và ở chừng mực nào đó có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ GDĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, trong đó đặc biệt quan tâm tới nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, phát huy phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập.
Từ năm 2017, môn Giáo dục công dân được chọn là một môn thi trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Kết quả thi THPT quốc gia môn Giáo dục công dân luôn nằm trong nhóm các môn có điểm thi cao nhất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông thời gian qua cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế: Nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực. Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo và đầu tư nguồn lực triển khai thực hiện các qui định của Chính phủ, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao về bảo đảm an toàn, an ninh trường học; trong xây dựng văn hóa học đường và giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh… Một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống. Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải nhìn thẳng vào những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục như bạo lực học đường, tiêu cực trong chấm điểm, dạy thêm, học thêm không đúng, học để thu tiền, học để được điểm cao… Từ đó đề ra các biện pháp và tập trung giải quyết những bất cập trong công tác dạy người thời gian tới.
Theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu, phong trào, đề án liên quan đến giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh như: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Thi đua dạy tốt học tốt”, “Thực hiện năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”, “Tất cả vì học sinh thân yêu” hay phong trào “Dân chủ-Kỷ cương-Tình thương-Trách nhiệm”…, nhưng “cứ soi vào những khẩu hiệu, phong trào đó thì thấy chúng ta làm chưa tốt”.
Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là vì chúng ta mới đào tạo lý thuyết tốt nhưng thực hành kém, tác phong công nghiệp yếu. Điều này cũng chính là bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho người học.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng cần nêu cụ thể một số việc để triển khai ngay từ năm học 2019-2020, đồng thời có kiểm tra định kỳ và khi kết thúc năm học, cần đánh giá kết quả chuyển biến đến đâu.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề xuất 8 giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Trong đó, nhấn mạnh đến việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, trong đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới, phát triển năng lực học sinh; lấy học sinh làm trung tâm. Chỉ đạo các địa phương biên soạn nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng chú trọng giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử và các tấm gương anh hùng để giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước cho học sinh. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao vai trò nêu gương của ban giám hiệu và giáo viên, trong đó đặc biệt chú trọng đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp…