Đẩy mạnh vai trò người có uy tín
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên Lê Ngọc Linh: Những năm qua, người có uy tín, chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tích cực đẩy mạnh vai trò hạt nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân. Tại địa phương họ gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp bà con xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ông Lê Ngọc Linh (đứng thứ 3 từ phải sang) vận động các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường.
Ông Lê Ngọc Linh cho biết: Với vai trò hạt nhân của mình, người có uy tín đã có đóng góp tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, các cuộc tiếp xúc của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, những người có uy tín đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, đồng thời tham gia nhiều ý kiến thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều người có uy tín đã tích cực tham gia tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hiến đất, hoa màu, giải phóng mặt bằng, đóng góp đối ứng kinh phí để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Bản thân những người có uy tín là những người luôn luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào này, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; nhiều người tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất. Người có uy tín tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Bên cạnh đó, loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan như: cưới xin, ma chay không còn tổ chức dài ngày, người ốm không cúng ma, mà đưa đi bệnh viện, thực hiện ăn ở hợp vệ sinh; di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở; không tảo hôn, không sinh con thứ 3; quan tâm tạo điều kiện cho trẻ đến trường đúng độ tuổi; tích cực tham gia bảo tồn, phục dựng, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc thiểu số.
Theo ông Lê Ngọc Linh, các chức sắc tôn giáo ở Thái Nguyên đã bằng nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo, phù hợp cùng các cơ quan chức năng nhà nước kịp thời ngăn chặn một số hoạt động trái phép của các tà đạo, tổ chức tự xưng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền đạo trái phép, tuyên truyền mê tín dị đoan, chống phá Đảng, Nhà nước. “Để các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp cùng giáo hội các tôn giáo tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, như: Xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; tham gia bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ môi trường… - ông Linh khẳng định.
Trong những năm qua công tác chăm lo, hỗ trợ thực hiện chế độ chính sách, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên được quan tâm thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chế độ, chính sách theo quy định. Cụ thể, năm 2018, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt danh sách 1.042 người có uy tín giai đoạn 2018-2022 được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 16/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó: Huyện Võ Nhai 138 người, huyện Định Hóa 364 người, huyện Đồng Hỷ 114 người, huyện Đại Từ 187 người, huyện Phú Lương 148 người, huyện Phú Bình 27 người, thị xã Phổ Yên 24 người, TP. Sông Công 4 người, TP. Thái Nguyên 36 người. Trong những năm qua, những người có uy tín đã thể hiện vai trò cầu nối, chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền, nhân dân trên mọi lĩnh vực. Tuy vậy, công tác xây dựng và phát huy vai trò của những người có uy tín của tỉnh nói chung và của MTTQ các cấp trong tỉnh còn có nhiều bất cập: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về vai trò vị trí, của người có uy tín chưa thật đầy đủ, chưa thấy hết tầm quan trọng của việc phát huy vai trò có người có uy tín trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do vậy việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị phân công, phân cấp để xây dựng, phát huy vai trò của người có uy tín chưa được thống nhất; chưa có quy chế, quy định cụ thể để hướng dẫn cơ sở trong việc phân công nhiệm vụ, phát huy vai trò của người có uy tín. Việc cân đối kinh phí của địa phương để thực hiện chính sách đối với người có uy tín chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, động viên khen thưởng người có uy tín có nơi còn hạn chế”…
Khắc phục những bất cập để đẩy mạnh hơn nữa vai trò người có uy tín trong cộng đồng thời gian tới, ông Lê Ngọc Linh đề xuất giải pháp: Ðể phát huy vai trò của người có uy tín, trước hết cấp ủy, chính quyền các cấp cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Việc vận động và phát huy vai trò của người có uy tín phải trở thành một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, nhất là đối với lực lượng vũ trang, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Tặng quà người uy tín tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên năm 2018.
Đối với cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín; phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các ngành, các cấp; cân đối, bố trí nguồn kinh phí của địa phương đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với người có uy tín. Định kỳ hằng năm cần tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng, cần thường xuyên cung cấp thông tin, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách mới cho người có uy tín. Tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia hoạt động, phát huy vai trò của họ đối với các lĩnh vực của đời sống, xã hội, nhất là tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, tăng cường phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin, phát huy vai trò của người có uy tín. Mời người có uy tín tham dự các hội nghị chuyên đề, giao ban, sơ kết, tổng kết công tác Mặt trận hàng năm, các hoạt động lớn do MTTQ và các đoàn thể tổ chức để người có uy tín có cơ hội trao đổi, thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến. Các văn bản của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cần triển khai cùng với nội dung nhiệm vụ cụ thể gửi cho người có uy tín, đề nghị phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
“Đặc biệt, cần thường xuyên giữ mối liên hệ, thăm hỏi, động viên kịp thời đối với người có uy tín trên địa bàn. Ủy ban MTTQ cấp xã định kỳ (hằng tháng hoặc hằng quý) gửi phiếu phản ánh để người uy tín trên địa bàn phản ánh thông tin về tình hình nhân dân, các vấn đề đáng chú ý ở địa phương, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn mà người có uy tín cư trú. Trên cơ sở đó tổng hợp, phản ánh với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp. Bên cạnh đó, quan tâm phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ để người có uy tín trở thành những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc” - ông Lê Ngọc Linh nhấn mạnh.