Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu
Hình thành từ hơn 100 năm, làng nghề tăm hương duy nhất của Hà Nội ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa cách trung tâm thủ đô hơn 30 km. Nghề truyền thống đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và thu hút được rất nhiều du khách về tìm hiểu những giá trị văn hóa của người Việt Nam.
Sau khi nhuộm đỏ, nhuộm hồng, tăm được phơi khô, biến các con đường làng trở nên đỏ rực.
Khắp các con đường ở Quảng Phú Cầu nổi lên hai màu đỏ và nâu: Đỏ là màu của chân hương, nâu là màu của thân hương. Những người thợ làm hương ở xã Quảng Phú Cầu tâm niệm: Hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên các công đoạn làm hương không được cẩu thả và các nguyên liệu làm hương luôn phải sạch.
Để hoàn thành một nén hương, người thợ phải làm nhiều công đoạn từ chẻ tre (hoặc vầu), vót tăm, nhuộm chân hương, làm thân hương, phơi khô và đóng gói. Và để có được sản phẩm tâm linh này, những người làm hương phải bỏ ra rất nhiều công sức.
Những thanh tre, vầu được tách nhỏ ra để chuẩn bị đưa vào máy làm chân hương.
Công nhân phân loại những chiếc tăm và sắp xếp lại thành những bó nhỏ để chuyển đi nhuộm chân hương.
Thu nhập của mỗi người công nhân ở đây khoảng 200.000 đồng/ngày.
Trước kia, hương được se hoàn toàn bằng tay. Giờ đây đã có sự trợ giúp của máy móc nên năng suất tăng lên nhiều.
Chân hương được nhuộm màu đỏ, hoặc các màu sắc khác.
Từ sân nhà cho đến những con đường lớn nhỏ đâu đâu cũng đỏ rực chân hương.
Nghề làm chân hương đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây.
Hương se xong được đem phơi khô. Hương Quảng Phú Cầu không sử dụng hóa chất tạo tàn vòng nên an toàn cho sức khỏe.