Các siêu cường tìm cách cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran

Linh Chi 29/07/2019 07:00

Đại diện các nước đến từ châu Âu, Trung Quốc, Nga cùng các nước đã tham gia ký kết Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - Thỏa thuận hạt nhân Iran) dự kiến sẽ có cuộc họp quan trọng với đại diện Iran tại Vienna (Áo) để thảo luận về cách thức cứu vãn Thỏa thuận này.

Các siêu cường tìm cách cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran

Quốc kỳ Iran đặt trước trụ sở Cơ quan Năng lượng nguyên tử (IAEA) ở Vienna, Áo. Nguồn: Reuters.

Cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân

Cuộc họp tổ chức trong hôm cuối tuần qua nhằm mục tiêu xem xét tổng thể lại các vấn đề liên quan tới việc thực thi Thỏa thuận hạt nhân Iran, sau khi chính quyền Tehran tăng lượng uranium làm giàu ở mức thấp và tăng mức độ làm giàu uranium, vi phạm một số điều khoản của Thỏa thuận này.

Được biết, chính quyền Tehran đã vượt qua mức giới hạn làm giàu uranium được quy định trong Thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, tuyên bố rằng họ sẽ đảo ngược các hành động này nếu như các bên ký kết còn lại - Đức, Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và EU - mang lại các lợi ích về kinh tế, chống lại lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt với họ theo như đúng cam kết trong Thỏa thuận.

Cuộc họp của đại diện các bên ký kết Thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra chỉ 1 tháng sau khi một cuộc họp tương tự đã thất bại trong việc đưa ra bước đột phá.

Căng thẳng giữa Tehran và Washington đã tăng nhiệt kể từ năm ngoái, khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân nhằm giới hạn chương trình hạt nhân Iran, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Để đáp trả, trong tháng 5 vừa qua, Tehran tuyên bố ngừng cam kết một số điều khoản trong Thỏa thuận hạt nhân, và cảnh báo sẽ còn đưa ra thêm các biện pháp phản ứng nếu như các bên ký kết còn lại - đặc biệt là các nước EU - không giúp họ chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Căng thẳng gia tăng

Hiện nay, tình trạng căng thẳng ở khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, sau hàng loạt vụ việc xảy ra liên quan tới các tàu chở dầu và máy bay không người lái.

Mỹ từng tuyên bố bắn hạ một, hoặc có thể là hai máy bay không người lái của Iran hồi tuần trước, và cáo buộc chính quyền Tehran đứng đằng sau hàng loạt các vụ tấn công bí ẩn nhằm vào tàu chở dầu hoạt động trên Vùng Vịnh.

Iran trong tháng 6 vừa qua cũng bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Chính quyền Trump sau đó tuyên bố đáp trả lại vụ việc bằng một chiến dịch tấn công Iran, nhưng may mắn thay Tổng thống Trump sau đó rút lại lệnh tấn công vào phút chót với lý do lo ngại về con số người thiệt mạng.

Đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Vùng Vịnh, là Arab Saudi cũng cáo buộc Iran đứng đằng sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu ở Vùng Vịnh trong tháng 6, một cáo buộc mà Tehran cực lực bác bỏ.

Ngày 19/7, một tàu chở dầu của Anh đã bị lực lượng vệ binh cách mạng Iran (IRGC) bắt giữ cùng 23 thành viên thủy thủ đoàn ở eo biển Hormuz. Chính phủ Anh coi vụ bắt giữ trên là động thái trả đũa mà Iran đưa ra để phản ứng trước việc tàu chở dầu Grace 1 của họ bị Anh bắt giữ hồi đầu tháng 7 khi di chuyển qua vùng biển của Gibraltar.

Tính đến thời điểm này, các nỗ lực của giới siêu cường châu Âu - đáng chú ý nhất trong số này là nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran đều đã thất bại.

Tuy nhiên, các bên ký kết còn lại của Thỏa thuận đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để đạt được một bước đột phá trong một cuộc họp cấp Bộ trưởng trong tương lai, dù chưa có thời hạn cụ thể.

Đề cập tới sự cần thiết phải có một “cuộc họp trù bị trước khi tổ chức vòng họp cấp Bộ trưởng”, một quan chức ngoại giao của châu Âu nói với AFP rằng “việc đối thoại với phía Iran là hết sức cần thiết, sau khi một số điều khoản của Thỏa thuận hạt nhân bị vi phạm”.

Hồi đầu tuần trước, EU tiết lộ rằng cuộc gặp tại Vienna sẽ được chủ trì bởi Tổng Thư ký Ủy ban hành động EU Helga Schmid. Họ cũng cho hay, cuộc gặp này được đề xuất bởi Anh, Pháp, Đức, Iran và sẽ tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan tới thực thi JCPOA.

Linh Chi