Xây dựng nông thôn mới ở Hòa Bình
Sau 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương tỉnh Hòa Bình đều thu được kết quả đáng khích lệ. Trong đó, TP Hòa Bình là địa phương đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn NTM. Năm 2020 tới, huyện Lạc Thủy cũng phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng xã Liên Hòa, huyện Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Nông thôn mới và đời sống người dân
Kể từ ngày 7/4, diễn ra Lễ công bố và đón nhận Quyết định số 269 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận TP Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018, TP Hòa Bình tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng NTM trên tất cả các xã trên địa bàn, nhất là với xã Thái Thịnh thuộc vùng lòng hồ đặc biệt khó khăn về cơ sở hạ tầng và không có đồng ruộng.
Để đạt chuẩn NTM, hệ thống giao thông tại 7/7 xã trên địa bàn thành phố được bê tông hóa; 100% xã có hạ tầng, hệ thống thủy lợi, điện, nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn; 7/7 xã có nhà văn hóa và khu thể thao xã, 58/58 xóm có nhà văn hóa, khu thể thao đảm bảo theo quy định… Các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố đạt 57 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,31%; 91% lao động khu vực nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định. Tỉnh yêu cầu các xã đạt chuẩn NTM sẽ tiến hành xây dựng NTM nâng cao, xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, có sản phẩm hàng hóa chủ lực có sức cạnh tranh cao. Hiện UBND TP Hòa Bình đã và đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai xây dựng các mô hình “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”. Theo đó năm 2019, thành phố xây dựng 2 xã Yên Mông, Dân Chủ đạt chuẩn NTM nâng cao; xây dựng 4 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 12 vườn kiểu mẫu.
Một điểm cũng rất đáng lưu ý là trong quá trình xây dựng NTM, TP Hòa Bình rất chú trọng tới việc bảo vệ môi trường, như là một tiêu chí nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là một điểm sáng không phải nhiều địa phương có được trong quá trình tăng tốc xây dựng NTM. Cũng vì thế mà có tới 98,5% cư dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy định.
Nỗ lực để không “trễ hẹn”
Cũng tại Hòa Bình, huyện Lạc Thủy cũng đang nỗ lực về đích NTM vào năm 2020.
Một trong những yếu tố quan trọng để Lạc Thủy tự tin hoàn thành đạt chuẩn NTM vào năm tới chính là sự đồng thuận của người dân. Nhận thức của cán bộ, người dân về xây dựng NTM là rất tích cực, từ đó đã có nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện có 8/13 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó có 3 xã đặc biệt khó khăn là Liên Hòa, Phú Thành, Yên Bồng đạt chuẩn NTM năm 2018.
Để không “trễ hẹn”, huyện Lạc Thuỷ xây dựng lộ trình cụ thể: Duy trì 8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM, đưa tổng số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM đến năm 2020 là 13/13 xã. Năm 2019 phấn đấu 2 xã đạt chuẩn NTM là An Bình, Khoan Dụ. Năm 2020 sẽ có 3 xã đạt chuẩn là An Lạc, Đồng Môn, Hưng Thi.
Trong quá trình xây dựng NTM, huyện rất chú trọng tới việc nâng cao đời sống của người dân. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020; tập trung định hướng tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt của huyện là một minh chứng rõ rệt. Tới nay, huyện Lạc Thủy đã hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô cánh đồng mẫu lớn. Vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung cơ bản hình thành với diện tích 1.146 ha; cải tạo vườn tạp 200ha… Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 38,9 triệu đồng/ người/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo còn 10,98% giảm 10,42% so với năm 2011.
Trong xây dựng NTM, cũng như TP Hòa Bình, huyện Lạc Thủy chủ trương ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng NTM trên cơ sở rà soát xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí một cách bền vững, không để tình trạng nợ đọng sau khi đạt chuẩn.