Kiên Giang: Quyết định đầu tư 118 dự án với vốn dự kiến trên 30.000 tỷ đồng
Ngày 29/7, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2019. Tại đây tỉnh Kiên Giang đã trao quyết định đầu tư cho 118 dự án thuộc 25 lĩnh vực, với tổng số vốn dự kiến hơn 30.000 tỷ đồng. Đây được xem là sự kiện thu hút đầu tư lớn nhất tỉnh Kiên Giang từ trước tới nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị xúc tiến đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ngoài ra còn có lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cùng khoảng 500 đại biểu , các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các dự án được mời gọi đầu tư vào tỉnh Kiên Giang đợt này tập trung các lĩnh vực: Du lịch, 14 dự án; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 19 dự án; Sản xuất công nghiệp, 17 dự án; Môi trường, 8 dự án; Giao thông vận tải, 23 dự án; Hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, 16 dự án; nhà ở và phát triển đô thị, 11 dự án…
Đến nay, Kiên Giang đã thu hút 680 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 503.763 tỷ đồng. Trong đó, có 341 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 60.641 tỷ đồng; 68 dự án đang triển khai xây dựng có tổng vốn đầu tư 115.410 tỷ đồng và 271 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư có tổng vốn đầu tư 327.713 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, đến nay, áp lực lớn nhất của địa phương là hạ tầng về xử lý nước thải, rác thải ở Phú Quốc. Kinh tế của Phú Quốc tăng trưởng liên tục, mỗi năm tăng 20%, giá trị tăng 40%. Tốc độ đô thị hóa, phát triển nhanh của Phú Quốc đã vượt quá khả năng đáp ứng về hạ tầng cũng như tầm kiểm soát của bộ máy quản lý nhà nước cấp huyện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chứng kiến trao quyết định đầu tư cho các đơn vị.
Ông Hồng cho biết: “Đặc biệt là về vấn đề rác thải, nước thải, dù tỉnh Kiên Giang đã kêu gọi đầu tư từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào quan tâm. Trong 118 dự án kêu gọi đầu tư lần này, Kiên Giang tiếp tục tập trung kêu gọi những dự án đầu tư vào lĩnh vực môi trường “nhức nhối” trên. Chúng tôi kỳ vọng sau hội nghị đầu tư này có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn đến lĩnh vực này để Phú Quốc phát triển bền vững. Thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư, Kiên Giang hy vọng kêu gọi được những nhà đầu tư lớn, có năng lực để đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm của địa phương. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư ở địa phương”.
Ông Hồng cho biết thêm, Kiên Giang còn có những đặc trưng riêng mà ít địa phương khác ở ĐBSCL có được như: rừng nguyên sinh, đồi núi, biển đảo… Vì vậy, thời gian qua, Kiên Giang đã nỗ lực hết mình trong việc hoàn chỉnh các quy hoạch; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư dựa trên khung chính sách chung và đặc thù của địa phương; cải cách thủ tục hành chính, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Kiên Giang, đang thay da đổi thịt từng ngày, mang trong mình khát vọng trở thành tỉnh giàu mạnh toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong tổng thể chiến lược kinh tế biển của cả nước. Ngược dòng lịch sử, từ khoảng 300 năm trước, vùng đất này đã từng là chốn giao thương tấp nập, như câu ca dao đã có từ lâu đời: “Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên. Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu”. Ngày nay, không chỉ có đảo ngọc Phú Quốc, một địa danh nổi bật của ASEAN mà Kiên Giang hoàn toàn có tiềm năng, lợi thế trở thành hòn ngọc tỏa sáng trên Vịnh Thái Lan, có sức hấp dẫn độc đáo với du khách và nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Những năm qua, kinh tế - xã hội của Kiên Giang phát triển toàn diện. Đặc biệt, thương hiệu du lịch Kiên Giang - Phú Quốc đã mang tầm quốc tế. Phú Quốc được bình chọn là 1 trong 19 điểm điểm đến tốt nhất châu Á năm 2019, top 5 điểm đến mùa thu hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. Cảnh đẹp của Kiên Giang ngày xưa từng được ca ngợi qua “Hà Tiên thập vịnh”. Nhiều danh thắng du lịch nổi tiếng như Hòn Phụ Tử, Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc… Văn hóa ẩm thực ở Kiên Giang rất nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc, cháo môn, sò huyết Hà Tiên, bún cá Kiên Giang… Với vị thế đặc biệt của Phú Quốc, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Kiên Giang cần có tầm nhìn để biến đảo ngọc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế.
“Chúng ta tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải để cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam trong thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển, mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác. Phú Quốc cũng nên tập trung vào những thế lợi so sánh cốt lõi là tài nguyên biển và tài nguyên sinh thái. Cần phát triển chuỗi giá trị du lịch bao gồm những ngành kinh tế liên quan để các ngành đó không mâu thuẫn với phát triển du lịch, giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương Phú Quốc” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, phát triển Phú Quốc cần lưu ý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm chất lượng môi trường và quan tâm đến lợi ích của người dân nhất là sinh kế. Thu hút những nhà đầu tư lớn, đúng nghĩa là giàu kinh nghiệm, có thực lực về tài chính, có lợi ích lâu dài ở Phú Quốc.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, “không đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật và không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản ở hòn đảo phát triển tốc độ nhanh vừa qua". Cho nên, để du lịch phát triển bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây, phải thực hiện tốt quy hoạch, “không được bê tông hóa Phú Quốc”.