Quảng Trị ơi, đồng đội tôi còn nằm lại

Trần Kiến Quốc 30/07/2019 14:34

Trường Văn hóa Quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (thuộc TCCT, QĐNDVN) chỉ tồn tại 5 năm (1965–1970), đào tạo 1.200 học sinh, sau đó gần 900 học sinh trở thành sĩ quan QĐNDVN. Và, trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc có nhiều thầy giáo và học sinh đã anh dũng hy sinh. Chỉ riêng tại mặt trận Quảng Trị đã nằm lại 6 bạn.

Quảng Trị ơi, đồng đội tôi còn nằm lại

Cựu học viên Trường Trỗi thăm lại chốt “Đồi Cháy”.

Vĩnh Yên - Đại học Kỹ thuật Quân sự, năm 1973

Đang bận rộn ôn thi hết năm thứ ba thì thấy trực ban báo có khách. Chạy ra cổng Bảo Sơn thì thấy Lê Bình và Chính “Đen” đang ngồi chờ.

- Mới từ Quảng Trị ra, – Bình chậm rãi. – Cục Cán bộ cho hai thằng về đi học.

- Quá hay! Thế là từ nay lại được gần nhau...

Lê Bình học cùng khóa 5 với tôi, Phan Nam, Lê Chí Hòa... Năm 1970, Bình thi vào Học viện Thuỷ lợi (mà chả hiểu sao ngày ấy duy nhất có trường này được gọi là Học viện?). Cuối năm 1971, có lệnh Tổng động viên, ba thằng khóa tôi đang học ở Thuỷ lợi (Lê Bình, Vũ Kiên Cường “Mèo”, Nguyễn Lâm “Tắc Ly”) cùng Trịnh Thúc Doanh “Mán” (học Bách khoa) cùng xin nhập ngũ.

Về nguyên tắc, con em bộ đội đợt này được miễn nhập ngũ. Thân phụ Lê Bình là chú Lê Nhiễu đang công tác tại Văn phòng TCCT; bố đẻ Vũ Kiên Cường đang ở Cục 2, BTTM; cha Nguyễn Lâm là chú Hoàng Hữu Kháng, từng là bảo vệ của Bác trong thời kỳ chống Pháp, đang công tác ở Cục Cảnh vệ, Bộ Công an; còn bố Trịnh Thúc Doanh đang công tác ở Bệnh viện 108. Nhưng cả bọn lý luận: Chả lẽ con em nhân dân thì đi còn con em bộ đội thì ở nhà? Bốn anh bạn chúng tôi đã lên đường thật nhẹ nhàng, (nói vậy, Cường và Doanh chắc chưa “dính” em út, chứ Lê Bình và Lâm thì... đã!). Và, 4 bạn đã trở thành niềm tự hào của khóa 5 chúng tôi!

Nghe qua báo đài thấy chiến sự xảy ra ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị. Mỗi lần gặp nhau chúng tôi cùng chia sẻ: Không hiểu bốn chàng “ngự lâm quân” của lớp ra sao?

…Và hôm nay, thấy Lê Bình trở về với gương mặt đen nhẻm, áo quần còn khét lẹt mùi thuốc súng, râu ria tua tủa, bọn tôi đưa ngay hai đứa đi làm thủ tục nhập học, rồi ra giếng tắm rửa cho sạch bụi đường.

Chiều thứ bảy, báo cho Huỳnh Tấn Lợi, Trần Ngọc Sơn và em Ái từ Trung cấp Cơ khí về “hội quân” mừng thằng bạn từ mặt trận mới trở về. Gọi là liên hoan nhưng thật đơn giản: 2 bao thuốc Điện Biên bao bạc (tuần trước về Hà Nội vào Giao tế mua, còn giấu được, chưa bị anh em bắt mang ra hút), 2 nải chuối trứng cuốc mới bê từ quán bà Bệt về cùng bịch lạc rang nóng giòn. Lê Viễn Chiến chả hiểu kiếm đâu được chai rượu trắng, cánh Tấn Lợi kiếm được cả một gói kẹo bọc lạc ba lớp giấy của Xí nghiệp kẹo Hải Hà cũng mang ra góp vui. Tại sân bóng trường, kéo nhau ra phía cầu môn nằm dài trên cỏ chờ bạn. Ngọn cỏ đâm vào da ngưa ngứa khó chịu, nhưng… mặc! Trời tối dần, gió chiều mát rượi từ hướng Tam Đảo thổi về. Anh em rì rầm bàn tán: “Dạo này thằng Bình thay đổi quá, lầm lì ít nói, hút thuốc nhiều hơn và hay suy tư… Hình như có điều gì không vui?”.

Nửa tiếng sau, 2 đứa mới tới. Bình vội thanh minh: “Tối nay, đại đội vừa tập trung động viên cánh lính chiến trường trở về nên bọn tao ra muộn. Tuần sau vào học rồi”. Bọn tôi vội mở gói lạc đang ủ trong giấy báo và bày kẹo, chuối, rượu ra “tỉ thí”. Chén rượu vòng quanh, vừa uống Lê Bình vừa chậm rãi kể lại:

“Sau ngày nhập ngũ, cả bốn thằng tao về cùng sư đoàn 325 của chú Lê Kích và chú Nguyễn Công Trang. Riêng tao và Cường “Mèo” được ở cùng đại đội. Bọn tao vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ từ đầu tháng 7. Lính 325 nghịch thì quá trời nhưng bọn ngụy mỗi lần nghe tên thì khiếp vía! Lính sinh viên nhưng đánh rất kiên cường. Quân ngụy cố gắng chiếm lại nhưng không được, liên tục bị đánh bật trở ra, mặc dù hoả lực chúng rất mạnh. Lúc ngưng tiếng súng, lính tiểu đội tao rủ nhau xăm lên mình hai chữ “Tổ quốc”, vì có thằng mò vào hầm địch kiếm ra thỏi mực Tàu. Tao và Đinh Tuấn xung phong cho hai thằng bạn đè ra, lấy kim xăm vào ngực. Đau lắm nhưng cố nghiến răng chịu đựng. Mấy đứa còn lại nhờ hai đứa tao xăm giúp, nhưng địch lại tấn công, không còn lúc nào rảnh”.

Lê Bình vạch ngực cho chúng tôi xem hai chữ thiêng liêng ấy và cả hình người chiến sĩ giải phóng khoác áo chiến bào, tay xách súng tiểu liên AK đang trong tư thế xung phong, được xăm trên cánh tay trái. Bình rít một hơi thuốc thật sâu rồi tiếp: “Lính ta đã giữ được Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm. Hy sinh cũng nhiều! Chúng mày không thể tưởng tượng nổi, có thằng bạn sáng nay còn cười cười nói nói, chiều đã nghe tin nó đi. Đến ngày 27-7, thằng Cường “Mèo” dính đạn, chính tay tao bế nó về hầm chỉ huy trong dinh Tỉnh trưởng. Nó mất máu nhiều, nặng quá, không qua khỏi. Mà sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ, hôm đó đúng là Ngày thương binh, liệt sĩ!

Rạng sáng hôm sau, bọn tao có lệnh rời chốt, vượt sông Thạch Hãn về bờ Bắc. Đành phải để nó ở lại. Sau đó nghe kể, lính ngụy vào Thành đã hỏa thiêu tử sĩ và cả thương binh nặng rồi vứt xác xuống sông. Tội lắm! Sau đó, thằng Lâm hy sinh ngày 5/9, rồi Doanh “Mán” hy sinh đúng ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, 16/9/1972. Cả đại đội tao hầu như chết hết, Đinh Tuấn cũng trở thành liệt sĩ. Tao và Chính “Đen” may mắn lành lặn trở về nhưng người lúc nào cũng hâm hấp sốt, cứ như đi trên mây! Cùng đi với nhau… mà bọn nó… không trở về… Buồn lắm!” – Bình nghẹn ngào, lấy khăn chấm nước mắt. Xúc động.

Lính Trường Trỗi không chỉ có khóa 5, mà có cả anh em khóa 1, khóa 6, khóa 7 cũng tham gia Chiến dịch 81 ngày đêm.

Ba chục năm sau...

Bác Y Wang, nguyên Phó ban Dân tộc Quốc hội, có 2 con là Y Nguyên và Y Hòa học cùng chúng tôi. Do hoàn cảnh, sau hàng chục năm mới bắt liên lạc được với Y Nguyên. Gia đình đã cất công tìm kiếm Y Hòa (học khóa 7) nhiều năm nhưng vô vọng. Quảng Trị rộng như thế, nơi nào cũng bị bom B52 và đạn pháo cày xới nát bét. Xác nhiều chiến sĩ hy sinh đã được đồng đội chôn cất lại bị bom đạn đánh bật lên “có những đồng chí “chết” đến hai, ba lần vì bom đạn”. Lần cuối cùng, gia đình đã lấy một gói đất ở đồi Cháy, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, Quảng Trị, coi đó là hài cốt của Y Hòa, đưa về nghĩa trang liệt sĩ Buôn Mê Thuột. Rồi ngày 22/10/2010, gia đình cùng đồng đội và bạn bè Trường Trỗi lập bia kỷ niệm tại đồi Cháy, đúng nơi mà Y Hòa, Lê Văn Nho và Nguyễn Chấn Hưng - cùng nhập ngũ ngày 6-1-1972 tại Hà Nội, cùng về sư đoàn 312 - đã anh dũng hy sinh.

Trường hợp liệt sĩ Đặng Bá Linh (khóa 6) cũng khá đặc biệt. Linh hy sinh ngay trận đầu ở Cao điểm 105 Bắc Quảng Trị. Ngày quy tập, do trong túi áo có lọ penicillin ghi thông tin cá nhân nên bộ phận tìm kiếm xác nhận hài cốt Linh đã được tìm thấy. Linh được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Lệ, nhưng không rõ vì sao lọ thuỷ tinh bị thất lạc nên mộ của Linh cùng nhiều liệt sĩ trở thành khuyết danh. Năm 1993, mộ các liệt sĩ ở xã Hải Lệ được di dời về nghĩa trang huyện Hải Lăng. Thật đau lòng vì không biết vị trí mộ liệt sĩ Đặng Bá Linh nằm ở đâu? Đã nhiều lần, gia đình từ TPHCM ra Quảng Trị nhờ các nhà ngoại cảm, chỉ dẫn thì có vẻ đúng, nhưng khi xác minh kỹ lại thì không phải! Cuối cùng, anh trai Linh tìm đến Cao điểm 105 Bắc, lấy một hộp đất mang về đặt trên bàn thờ, coi đó là một phần máu xương của em mình!

Sau này, kết nối được với đồng đội của Trịnh Thúc Doanh mới hay, mờ sáng ngày thứ 81, được lệnh rút qua sông Thạch Hãn khi địch đã bao vây kín phía sau. Vừa lần đến bờ sông, cùng đồng đội nhảy xuống nước thì bất ngờ Doanh bị trúng một phát pháo từ ngoài biển vu vơ bắn vào. Mẹ Lê Mai đã nhiều lần vào bờ sông Thạch Hãn tìm con mà không thấy, cuối cùng, mẹ đã lấy nắm đất ven sông đưa về làm “mộ gió” cho Doanh ở nghĩa trang liệt sĩ Định Công, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hôm làm mộ, mẹ Mai cũng “hóa” luôn cái áo bông có cổ lông màu nâu con hay mặc ngày ở trường, cho theo cùng Doanh.

Với trường hợp của Nguyễn Lâm, đúng ngày 27/7/2012, khi vào dự Lễ kỷ niệm 40 năm Thành cổ Quảng Trị, Lê Bình đã điện cho chúng tôi báo: Đã gặp được một đồng đội cùng đơn vị, chứng kiến hy sinh của Nguyễn Lâm. Hy vọng có thêm thông tin để tìm kiếm bạn, vậy mà chỉ mấy tháng sau, ngày 6/10/2012, Lê Bình đã mãi mãi ra đi. Vậy là mộ phần của Nguyễn Lâm vẫn chưa tìm thấy!

Trường hợp Vũ Kiên Cường, chúng tôi được mẹ Liên và các em báo tin: năm 2008 đã tìm thấy mộ phần của anh ở nghĩa trang liệt sĩ Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Riêng hài cốt liệt sĩ Bùi Hữu Thích (học sinh khóa 1, nguyên trợ lý quân khí của Lữ đoàn 203 xe tăng) hy sinh ngày 22/8/1972 tại khu vực giữa đường số 9 và làng Nghĩa Hy, Đông Hà, Quảng Trị, được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Ái, Triệu Phong, Quảng Trị từ ngay sau 1975.

Chia sẻ

Thế là trong số 1.200 học sinh Trường Văn hóa Quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi có 6 bạn hy sinh ở chiến trường Quảng Trị nhưng mới tìm thấy mộ phần 2 liệt sĩ. Đến thời điểm hiện nay, có bạn chưa tìm thấy, có bạn đã tìm thấy nhưng rồi mộ lại trở thành khuyết danh.

Biết các nhà khoa học đã ứng dụng “công nghệ gene” để xác nhận liệt sĩ. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa sẽ tìm được hài cốt của những liệt sĩ Trường Trỗi còn lại. Thầy trò chúng ta còn hy vọng!

Trần Kiến Quốc