Đừng vội trách
Xếp hàng từ 11h đêm hôm trước tới 11h trưa hôm sau trước cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội để sở hữu một tấm vé ca nhạc của một ca sĩ. Sự kiên trì của các bạn trẻ đang phản ánh gì về giá trị thẩm mỹ của thời chúng ta đang sống? Sky tour của ca sĩ Sơn Tùng MTP vừa có đêm mở màn tại TP Hồ Chí Minh, sắp ghé Đà Nẵng và đến Hà Nội. Tuy nhiên, cơn sốt săn vé chương trình này đang thực sự nóng bỏng.
Theo một người bạn tôi được chứng kiến và kể lại thì tại một cửa hàng tiện lợi ở phố Chùa Láng (Hà Nội), khoảng 30 bạn trẻ đã kiên trì xếp hàng từ 11h đêm hôm trước đến 11h trưa hôm sau bởi ở đây có chương trình mua 1 thùng sản phẩm đồ uống sẽ được đổi một vé của Sky tour Sơn Tùng MTP. Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, mặc trời nắng chang chang, trước mỗi cửa hàng tiện lợi cũng có hàng trăm bạn trẻ xếp thành những hàng dài để mua nước ngọt, đổi hóa đơn lấy vé Sơn Tùng…
Nhiều nhạc sĩ khi nghe nhắc đến một giọng ca ăn khách, sẽ kết luận ngay về sự lệch lạc thẩm mỹ của một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ. Họ sẽ trích dẫn những câu hát ngớ ngẩn, những lời ca xô bồ đường phố và phần nhạc đơn giản, không có một chút giá trị nào về âm nhạc. Họ sẽ cho thấy là những thứ âm nhạc ấy đang hạ thấp thẩm mỹ người nghe và có tác hại đối với giới trẻ. Nhưng chúng ta sẽ trả lời thế nào về việc những đĩa đơn và MV của những ca sĩ thị trường như thế vẫn dẫn đầu các bảng xếp hạng, vẫn có lượt người nghe và xem đạt tới những con số kỷ lục khủng khiếp trên Youtube? Vì sao những bản hit được tung ra lại làm mưa làm gió, được hâm mộ không phải chỉ ở trong giới trẻ?
Bài viết này không cổ vũ cho những sự lệch lạc. Nhưng nếu số lượng người mà chúng ta quy kết là lệch lạc về thẩm mỹ ấy trở thành con số quá lớn thì chúng ta phải xem lại chính chúng ta. Những nhạc sĩ được cho là tạo ra những sản phẩm âm nhạc có giá trị đang làm gì, đang ở đâu, họ đã tạo ra được những gì để đủ sức hấp dẫn lôi kéo “những người lệch lạc thẩm mỹ” trở về với một dòng âm nhạc khác được coi là tính thẩm mỹ cao quý hơn? Khi không có gì hấp dẫn hơn, khi không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của giới trẻ phù hợp với suy nghĩ, tình cảm của họ thì tất yếu họ tìm đến những giá trị khác mà họ thấy làm thỏa mãn họ.
Câu chuyện âm nhạc chỉ là một góc độ, một việc, một cái cớ để chúng ta nhìn việc khác. Ấy là vì sao xã hội hiện nay lại luôn đuổi theo những xu hướng ít giá trị lâu bền. Nhanh đến rồi nhanh đi. Ví dụ như tất cả những người sử dụng mạng xã hội đều chạy theo trend thì có phải họ đều chạy theo giá trị thẩm mỹ thấp. Hay đây là câu chuyện của thời hiện tại với những biến đổi về xu hướng sống, và mọi thứ đều thay đổi theo cho phù hợp với thời đại, với sự phát triển của công nghệ, của những giá trị vật chất mới được tạo ra?
Cho nên, ở trong bài viết này chúng tôi mong muốn ngành khoa học xã hội với chức năng của mình cần có những khảo sát, nghiên cứu và đánh giá khách quan về các hiện tượng xã hội hiện nay, về những giá trị thẩm mỹ mới xuất hiện trong đời sống. Chúng ta chỉ ngồi quy kết thì quá dễ. Nhưng làm thế nào giải mã được những hiện tượng ấy thì mới có thể đưa ra được các giải pháp cho sự phát triển của xã hội phù hợp và đúng hướng.
Có những hệ giá trị của giới trẻ mà có thể người lớn không ở vào tâm thế ấy, trong một thời đại, một thế giới thời buổi hội nhập đã rất mới và rất khác, khó có thể hiểu và cảm thông. Khi chúng ta nói về việc lệch chuẩn thần tượng thì có phải chăng là chúng ta đang đưa ra những nhận xét hơi vội vã khi mà chúng ta chưa hề có những nghiên cứu và khảo sát một cách khoa học, khách quan. Nhiều đề tài khoa học của ngành khoa học xã hội ngày nay vẫn đang đi vào những lĩnh vực đã cũ. Trong khi cuộc sống đang đòi hỏi những kiến giải thực sự khoa học về những vấn đề mới phát sinh trong xã hội hiện nay. Giải mã các hiện tượng của giới trẻ, đánh giá đúng mức và công bằng cho họ, mới có thể định hướng họ vào những hoạt động có giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ cao.
Vì sao họ kiên nhẫn xếp hàng từ đêm tới sáng chỉ để sở hữu một tấm vé ca nhạc của một ca sĩ dòng thị trường? Kết luận họ lệch chuẩn giá trị, họ có gu thẩm mỹ thấp thì dễ quá và áp đặt quá. Chúng ta thử khảo sát xem họ suy nghĩ thế nào, vì sao họ làm vậy? Không hiểu họ thì đừng vội trách!