Đẩy mạnh việc giao quyền sáp nhập sở, ngành cho địa phương
Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết 18 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ngay sau đó nhiều địa phương đã sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, việc sắp xếp, sáp nhập này chưa có sự thống nhất. Ông Bùi Văn Phương- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết xung quanh nội dung này.
Ông Bùi Văn Phương.
PV:Thưa ông, hiện Bộ Nội vụ đã đề nghị các địa phương tạm dừng việc sáp nhập trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định mới nhưng theo Bộ Nội vụ thì hướng tới sắp xếp các sở ngành, phòng ban là phân cấp mạnh cho địa phương. Cá nhân ông có đánh giá như thế nào hướng này?
Ông Bùi Văn Phương: Tôi cho rằng việc phân cấp cho các địa phương sắp xếp các sở, ngành là hợp lý vì không nhất thiết ở đâu mô hình cũng giống nhau. Ví như mô hình đô thị khác với miền núi và đồng bằng do đặc thù dân cư, địa lý, văn hóa ở từng nơi có sự khác nhau. Chức năng nhiệm vụ của Nhà nước là cái chung, còn do đặc thù thì địa phương có thể lựa chọn, thiết kế riêng để đảm bảo tính chuyên môn, chuyên sâu phù hợp với từng địa phương. Như vậy, sẽ tạo ra cơ chế linh hoạt để địa phương lựa chọn giải pháp, còn những cơ quan “cứng” thì dứt khoát ở đâu cũng phải có.
Nhưng hiện một vài tỉnh đã sáp nhập các sở, ngành lại để giảm bớt biên chế và phù hợp với địa phương nhưng mỗi nơi lại có cách sáp nhập khác nhau, thưa ông?
- Trung ương định hướng về mặt chủ trương nhưng quá trình thực thi phải trên cơ sở nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng, và tổ chức triển khai đảm bảo tính thống nhất, có cơ sở khoa học về lý luận thực tiễn. Một số nơi áp dụng còn mang tính chủ quan nên việc tinh giảm cũng mang tính chất cơ học, sáp nhập cơ học mà không chứng minh được về mặt lý luận. Tôi nói ví dụ như mới đây tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ, và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đề xuất giảm số đại biểu HĐND các cấp khi cho rằng để tiết kiệm chi phí. Tôi nhấn mạnh rằng, thiết chế HĐND là cơ quan đại diện của dân, cơ quan quyền lực của dân là cần phải có. Chưa nói về chất lượng song cần có về mặt số lượng hợp lý để đảm bảo tính đại diện cho tất cả các giai tầng, thành phần trong xã hội, để phản ánh tiếng nói của đông đảo các thành phần trong xã hội. Mỗi tháng phụ cấp cho 1 đại biểu là 0.5 mức lương tối thiểu, vậy cắt đi 1 đại biểu thì đỡ được bao nhiêu tiền? Đó là minh chứng cho tư duy cơ học. Chúng ta phải hiểu kỹ vì Trung ương nói “tinh giản tổ chức bộ máy biên chế” nhưng đi theo nó là “đảm bảo hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy”. Nếu cắt giảm đại biểu HĐND đi thì tính đại diện các thành phần của người dân sẽ như thế nào? Ví dụ trên mà tôi nói chỉ là một vấn đề để nêu lên tính cơ học trong sáp nhập, tinh giản.
Dự thảo Nghị định đưa ra hướng các sở được tổ chức thống nhất (cứng) gồm có 9 sở. Với các sở như: Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thì riêng đối với 5 tỉnh thành trực thuộc Trung ương, những tỉnh có thể tự cân đối ngân sách, những tỉnh có diện tích trên 10.000 km2 và có dân số trên 2 triệu người thì địa phương có thể quyết định việc nhập hay không. Còn đối với 4 sở có thể hợp nhất gồm: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông thì giao cho địa phương tùy đặc thù để sắp xếp hợp lý. Quan điểm cá nhân ông thì sao?
- Hợp nhất các cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ tương đồng nhau là đúng nhưng vừa qua một số nơi lại đưa ra các ví dụ không tương đồng. Như việc nhập cơ quan tổ chức của cấp ủy vào cơ quan nội vụ gọi là cơ quan tổ chức nội vụ. Con người và chức năng nhiệm vụ vẫn thế chỉ bớt đi được 1 lãnh đạo. Nhưng vấn đề là cơ quan này là cơ quan tham mưu của Đảng hay cơ quan chuyên môn của UBND là câu chuyện chưa trả lời được. Hai cơ quan này không tương đồng về nhiệm vụ vì chức năng lãnh đạo công tác cán bộ là công tác của Đảng nên đương nhiên phải có cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác cán bộ đó là Ban Tổ chức của cấp ủy làm công tác cán bộ, chức năng lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Còn phần còn lại của Ban Tổ chức là làm công việc nội bộ của Đảng như: Công tác tổ chức cơ sở Đảng, công tác đảng viên, công tác đảm bảo chính trị nội bộ. 3 việc đó làm gì trùng lắp với chức năng nhiệm vụ của Sở Nội vụ vì họ làm công tác quản lý bộ máy và công chức, viên chức nhà nước. Hai cái đó đâu có giống mà bảo nhập vào với nhau được. Vì thế tôi mới nói Nghị quyết là định hướng mọi mặt về chủ trương, còn làm phải nghiên cứu và trả lời được tính khoa học lý luận của vấn đề, tính thực tiễn của vấn đề. Cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng thận trọng, chứ nếu giản đơn thì có khi kết quả chưa thấy mà thấy hậu quả.
Vậy theo ông làm sao để việc sáp nhập các sở, ngành đảm bảo tính hiệu quả?
- Cải cách tổ chức bộ máy và biên chế, tinh giản là rất đúng nhưng quá trình tổ chức thực hiện cần có sự thận trọng, có sự chỉ đạo thống nhất. Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chứ không phải ai thích làm thế nào thì làm, cho nên cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn về sáp nhập các sở, ngành để các địa phương thực hiện thống nhất, làm sao tinh gọn gắn với hiệu lực hiệu quả. Vì có những nơi sáp nhập Sở Khoa học và công nghệ với Sở Giáo dục và đào tạo, nhưng có những nơi lại sáp nhập vào sở khác. Nghĩa là không rõ cơ sở vì sao sáp nhập sở này với sở kia mà chỉ mang tính cảm tính của mỗi địa phương. Bộ máy quốc gia mà để cho mỗi địa phương làm theo cảm tính riêng, làm theo kiểu thành tích thì sẽ rất nguy hiểm.
Trân trọng cảm ơn ông!