Nối lại đàm phán thương mại
Các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc gặp tại thành phố Thượng Hải hôm 30/7 nhằm nối lại các vòng đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung được nối lại sau khi hai nước tạm ngừng áp thuế lẫn nhau (Nguồn: AFP).
Xây dựng lại niềm tin
Các vòng đàm phán tổ chức tại Thượng Hải sẽ là cuộc đối thoại trực diện đầu tiên giữa hai nước kể từ sau khi các vòng đàm phán sụp đổ tháng 5 vừa qua, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc rút nhiều cam kết mà họ từng đưa ra. Đến thời điểm này, Washington và Bắc Kinh đều tung đòn áp thuế lẫn nhau, ảnh hưởng tới thương mại hai chiều.
Các vòng đàm phán mới diễn ra 2 ngày, trong bối cảnh Bắc Kinh chịu sức ép nặng nề liên quan tới vấn đề Hong Kong, và trong lúc bất đồng gia tăng với Mỹ.
Vài ngày trước cuộc họp tại Thượng Hải, ông Trump đe dọa sẽ không công nhận hiện trạng quốc gia đang phát triển của Trung Quốc trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - khiến Bắc Kinh chỉ trích Mỹ là “kiêu ngạo và ích kỷ”. Hôm thứ sáu tuần trước, ông Trump nói rằng các nhà đàm phán Trung Quốc đang muốn trì hoãn ký kết thỏa thuận cho đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm tới.
Phía Mỹ cũng khiến Bắc Kinh tức giận khi tuyên bố rằng nền kinh tế đang suy giảm của nước này buộc họ phải ký thỏa thuận thương mại, và liệt Tập đoàn Viễn thông Huawei vào danh sách các công ty gây quan ngại về an ninh quốc gia.
Trong một bài xã luận đăng tải hôm 30/7, Hãng thông tấn Tân Hoa Xã thừa nhận rằng quan hệ Mỹ-Trung đang “căng thẳng” và kêu gọi phía Mỹ “đối xử một cách tôn trọng với Trung Quốc nếu như muốn có thỏa thuận thương mại”. Nhưng dù sao thì việc khởi động lại các vòng đàm phán thương mại là tín hiệu tích cực, dù kỳ vọng không cao.
“Thực ra thì vòng đối thoại này chủ yếu là nhằm làm rõ quan điểm của hai bên, sau một thời gian đàm phán bế tắc” - Jade Parker, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung, nhận định - “Vòng đối thoại cũng tập trung vào việc xây dựng niềm tin”.
Các bên có thể nhượng bộ thêm
Việc tổ chức vòng đàm phán mới tại Thượng Hải cũng mang ý nghĩa biểu tượng, bởi Tuyên bố chung Thượng Hải năm 1972 từng là cột mốc quan trọng trong việc xây dựng quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có khả năng sẽ dẫn dắt phái đoàn đàm phán của Trung Quốc. Trong phái đoàn này có thể còn có Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan, vốn là một nhà đàm phán có quan điểm cứng rắn.
“Việc Bộ trưởng Zhong Shan tham gia vào các vòng đàm phán này cho thấy sự tham gia tích cực hơn của phía Trung Quốc” - ông Parker nhận định.
Tuy nhiên, cả hai phía đều muốn hạ thấp kỳ vọng về kết quả của các vòng đàm phán này, ngay trước khi nó diễn ra.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các bên vẫn có nhiều ý kiến nhằm vào nhau trước vòng đàm phán, trong đó tờ China Daily có bài xã luận nói rằng “Mỹ nên từ bỏ chiến lược gây sức ép cực đại bởi nó rõ ràng là không có hiệu quả với Trung Quốc”. Bài xã luận nhắc tới một tuyên bố mà Mỹ đưa ra hồi tuần trước cho rằng Trung Quốc nên mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như thịt lợn, sợi vải và đậu nành để thể hiện “thiện chí”.
Stephen Innes - chuyên gia phân tích thuộc tổ chức nghiên cứu thị trường Vanguard Markets Singapore - cho rằng vòng đối thoại lần này sẽ chứng kiến các bên đưa ra một số nhượng bộ, như việc Trung Quốc nhập thêm nông sản của Mỹ, hoặc các bên tiếp tục tạm ngừng áp thuế hàng hóa lẫn nhau.