Mỹ đánh tín hiệu không gia hạn Hiệp ước New START
Vốn đã tiêu hủy 2 trong số 3 cột trụ không phổ biến vũ khí hạt nhân, nước Mỹ giờ đánh tín hiệu muốn hủy luôn cả cột trụ cuối cùng. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mới đây khẳng định rằng Hiệp ước New START sẽ không được gia hạn - theo hãng thông tấn RT của Nga.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. (Nguồn: RT).
Số phận ảm đạm của New START
Ông Bolton - vị cố vấn mang tư tưởng diều hâu trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã có bài phát biểu trong lúc tham gia một Hội thảo sinh viên đảng Bảo thủ hôm 30/7 vừa qua, trong đó ông thể hiện rõ sự hoài nghi của mình về Hiệp ước New START được ký kết dưới thời chính quyền Barack Obama.
Gọi thỏa thuận quan trọng nói trên là “thiếu sót ngay từ ban đầu”, ông Bolton cho rằng thỏa thuận này thất bại trong việc bao phủ các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn và “các hệ thống phóng của Nga”, mà không đề cập cụ thể tới các loại vũ khí này.
New START, có hiệu lực từ năm 2011, cho các bên ký kết khoảng thời gian 7 năm để hoàn tất các mục tiêu cắt giảm vũ khí. Thỏa thuận này nhằm mục tiêu cắt giảm 1/3 tổng số vũ khí hạt nhân của các bên tham gia và quy định mỗi bên không được triển khai nhiều hơn 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn và chỉ được phép triển khai dưới 800 hệ thống phóng.
Đầu năm nay, giới chức Nga và Mỹ đã tổ chức hàng loạt cuộc tham vấn liên quan tới số phận của hiệp ước này, dự kiến sẽ hết hạn trong vòng 2 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, Washington vẫn đưa ra tín hiệu hỗn loạn, không nêu rõ “có” hay “không” việc gia hạn hiệp ước này. Tháng 11 năm ngoái, ông Bolton cũng thừa nhận rằng Nhà Trắng chưa hình thành được quan điểm chính thức của họ về vấn đề này.
Trong phát biểu hôm thứ Ba vừa qua, ông Bolton nhắc lại rằng quan điểm chính thức của Nhà Trắng vẫn chưa có, nhưng New START “khó có thể được gia hạn”.
“Tại sao lại gia hạn một hệ thống đầy thiếu sót chỉ để nói rằng bạn có một hiệp ước?” - ông Bolton nói.
Vị cố vấn này còn ám chỉ rằng, Mỹ vẫn muốn ký kết một thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga, nhưng với các điều khoản khác: “Chúng ta cần tập trung vào thứ gì đó tốt hơn, và chúng ta sẽ làm vậy”.
Hiệp ước mới với Nga?
Trong một cuộc phỏng vấn với C-Span hôm thứ Ba, Tổng thống Trump cũng đưa ra quan điểm tương tự, cho hay ông tin rằng việc ký kết một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với Nga là nhiệm vụ khả thi. Cùng lúc, ông Trump cho rằng cả Nga và Mỹ đang cố tích trữ những thứ vũ khí mà họ không cần đến, trong khi Trung Quốc cũng đang bắt kịp.
“Tôi nghĩ rằng cuối cùng chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận với Nga, trong đó sẽ có một dạng kiểm soát vũ trang, bởi tất cả chúng ta đều đang tích trữ thêm thứ mà chúng ta không cần tới, và họ cũng vậy. Trong khi Trung Quốc đang bắt kịp cả hai” - ông Trump nói.
Sau khi Tổng thống George W. Bush đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo 1972 (Hiệp ước ABM) trong năm 2002 và ông Trump rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF), New START trở thành cột trụ cuối cùng nâng đỡ hệ thống chống phổ biến hạt nhân trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
INF 1987 cấm phát triển, sản xuất và triển khai các loại tên lửa hành trình và tên lửa trên mặt đất có tầm bắn trong khoảng 500 - 5.500 km. Để biện minh cho việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận này, Mỹ cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận, trong khi Moscow cực lực bác bỏ. Nga cũng cáo buộc quân đội Mỹ tăng cường phát triển sức mạnh hạt nhân, và các hệ thống phòng không mà Mỹ lắp đặt ở Ba Lan, Romania có thể được sử dụng để phóng các tên lửa hạt nhân tầm trung.