Cùng ngư dân vươn khơi bám biển
Chiều ngày 30/7, tại cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã diễn ra Lễ phát động và ký kết Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.
Đây là hoạt động giàu ý nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước. Chương trình nhằm nâng cao hiểu biết của bà con ngư dân về biển đảo, các quy định về khai thác, đánh bắt thủy hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không xâm phạm vào vùng biển của các nước trong khu vực. Lực lượng hải quân sẽ luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, kịp thời hỗ trợ ngư dân trong các tình huống. Thông qua chương trình, vai trò của bà con ngư dân trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa được phát huy theo tinh thần “mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền”.
Hôm nay, 1/8, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tiếp tục tổ chức lễ phát động chương trình tại tỉnh Cà Mau.
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân tặng phao cứu sinh cho ngư dân Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam.
Trước đó, ngày 30/5, tại xã Phước Hưng (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức phát động Chương trình: “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Phát biểu tại đây, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững- Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết, 10 năm qua, Quân chủng Hải quân đã tổ chức 1.200 đợt hoạt động với hơn 30.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; 548 lượt tàu, 19 lượt máy bay và hàng trăm ô tô, xuồng, tàu, cứu hộ gần 2.000 người, cứu kéo khắc phục 251 phương tiện bị nạn trên biển. Quân chủng Hải quân luôn xác định, giúp dân, cứu dân là mệnh lệnh không lời từ trái tim người lính Hải quân.
Cùng trong hoạt động này, ngày 19/7, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận phát động Chương trình: “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”…
Có thể nói, trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước, lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc là vô cùng thiêng liêng. Với biển Việt Nam, mỗi mét nước đều có những giọt mồ hôi của ngư dân, có máu của những con người dũng cảm bảo vệ chủ quyền, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Trong quá khứ, nhiều đoàn dân binh đã từ đất liền cưỡi sóng đạp gió trên những con thuyền đơn sơ ra Hoàng Sa, Trường Sa, vừa khai thác hải sản vừa để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Với tinh thần đó, hôm nay, bất chấp những mối hiểm nguy rình rập giữa đại dương mênh mông, ngư dân Việt Nam vẫn vững vàng vươn khơi đánh bắt hải sản trong vùng biển của Tổ quốc. Họ không cô đơn giữa muôn trùng sóng gió, vì bên cạnh họ là cả dân tộc, là lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, là những lực lượng thực thi nhiệm vụ chấp pháp trên biển.
Tới nay, chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” đang được triển khai rộng khắp. Đó cũng chính là tấm lòng, là niềm tin của đất liền gửi gắm trọn vẹn vào những người ngư dân can trường, họ cũng chính là những cột mốc chủ quyền của đất nước trên biển khơi dập dồn sóng gió. Giữa đại dương mênh mông thăm thẳm, với lá Quốc kỳ, với sự sát cánh của những chiến sỹ Hải quân, những con người lao động chân chất dám cưỡi sóng đạp gió ấy hẳn sẽ vững tin, sẽ ấm lòng.
Những ai từng tới đảo Lý Sơn, một lần chứng kiến Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ không bao giờ quên được sự bi tráng tái hiện khởi đầu cho một cuộc hải trình của những con thuyền dân binh ra khơi vì nghĩa lớn. “Đến mùa tu hú kêu thanh/Cá chuồn đã mãn mà anh chưa về”, câu ca như một lời tiễn biệt của người dân trên đảo khắc khoải ngóng về những người ra với Hoàng Sa, Trường Sa của đất nước. Trong những tháng ngày lênh đênh trên biển, hành trình của mỗi dân binh mang theo trên chiếc thuyền câu là 6 tháng lương thực, 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi mây và 1 thẻ bài ghi danh tính, bản quán và phiên hiệu…
Hôm nay, trên đảo Lý Sơn vẫn còn đó tiếng ốc u huyền thoại. Sau hồi ốc u giục giã là đến lúc tiễn hình nhân binh phu xuống thuyền để đi Hoàng Sa. Trên biển, tiếng ốc u là hiệu lệnh chỉ huy, tín hiệu liên lạc cho cả đoàn thuyền binh phu. Trên đảo, tiếng ốc u là còi báo động cướp biển. Và cũng ở Lý Sơn, vẫn còn đó những ngôi mộ gió không người, những ngôi mộ chiêu hồn. Đó là những nấm đất nhỏ nằm rải rác trong những ruộng hành, ruộng tỏi. Người dân trên đảo đã lập nên những ngôi mộ gió chiêu hồn những con người tuy thân xác đã tan vào biển cả nhưng linh hồn vẫn trở về với đất mẹ. Những ngôi mộ gió không tên, không thi thể nhưng quanh năm vẫn được người dân khói hương tưởng nhớ…
Việc ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản bây giờ không đơn độc như những dân binh năm xưa, họ vững tin rằng phía sau họ là Đất nước, sát cánh bên họ là những con tàu Hải quân Việt Nam hiện đại, trên đó là những người lính trung kiên sẵn sàng trợ giúp họ trong mọi tình huống. Để sau mỗi chuyến ra khơi trở về bình yên là một khoang cá đầy…