Siết chứng chỉ hành nghề

An Thái 01/08/2019 08:00

Việc lỏng lẻo trong cấp, quản lý chứng chỉ hành nghề y một lần nữa lại được chỉ ra tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức mới đây.

Thực tế từ các địa phương cho thấy, có những trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám, chữa bệnh, thậm chí là nằm liệt giường, nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám, chữa bệnh. Hay có những trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam.

Việc lỏng lẻo trong cấp, quản lý chứng chỉ hành nghề y một lần nữa lại được chỉ ra tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức mới đây. Minh chứng từ các địa phương cho thấy, có những trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám, chữa bệnh, thậm chí là nằm liệt giường, nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám, chữa bệnh. Hay có những trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam.

Do đó, tại Hội nghị Tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (tổ chức tại TP Hồ Chí Minh) với sự tham gia của đại diện 31 Sở Y tế các tỉnh thành, cùng đại diện một số bệnh viện, các đại biểu cho rằng nên sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong việc cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn cho từng chức danh tương ứng. Ví dụ, với bác sĩ có thể thời hạn của chứng chỉ hành nghề là 5 năm; điều dưỡng, hộ sinh có thể là 3 năm và được xem xét gia hạn khi vượt qua các kỳ sát hạch sau đó.

Hoạt động ngành y thời gian qua cho thấy, việc không xác định thời hạn trong chứng chỉ khiến cho người hành nghề y không có ý thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi thực tế đòi hỏi bác sĩ phải luôn cập nhật các kỹ thuật mới, các tiến bộ của y học để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Đáng nói là việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay mới chỉ được tiến hành trên giấy tờ mà không qua một kỳ sát hạch cụ thể nào, không thể đánh giá đúng năng lực thực chất của người hành nghề y. Do đó, theo ông Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), rất cần có một kỳ thi do Hội đồng quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc. Ngoài ra, Luật cũng cần có quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với những người không hành nghề trong 2 năm liên tiếp hoặc không tham gia các chương trình đào tạo liên tục, hay có sai sót chuyên môn nghiêm trọng.

Một bất cập cũng được chỉ ra, đó là vấn đề đào tạo nhân lực trong lĩnh vực y tế hiện nay. Cả nước có 181 cơ sở đào tạo y khoa với nhiều hình thức đào tạo như: Chính quy tập trung, liên thông, đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển, hệ vừa học vừa làm và các chương trình liên kết đào tạo…Việc mở rộng quy mô đào tạo khiến khó kiểm soát chất lượng đào tạo. Hiện nay vẫn chưa có bộ tiêu chí riêng cho các trường y dược, chưa có sự kiểm định chương trình đào tạo, đào tạo vẫn chưa gắn với nhu cầu của hệ thống y tế. Chương trình đào tạo cũng chưa phân định rõ giữa đào tạo hàn lâm (thạc sỹ, tiến sỹ) với đào tạo chuyên khoa trong khi ngành y là một ngành khá đặc thù rất cần chú trọng vào đào tạo chuyên khoa…

Đào tạo ngành y đang tồn tại song song hai hệ thống quản lý sau ĐH, cùng với đó là hai hệ thống năng lực: Thực hành khám chữa bệnh và nghiên cứu hàn lâm; tồn tại song song 2 hệ thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ GDĐT quản lý, hệ bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 do Bộ Y tế quản lý, song lại không có nhiều sự phân định, khác biệt rõ ràng giữa 2 chương trình. Cơ chế kiểm soát chất lượng chưa rõ ràng. Kiểm định chất lượng mới chỉ tiếp cận kiểm định cơ sở đào tạo, chưa tiếp cận kiểm định chương trình đào tạo. Đánh giá sinh viên cũng chưa có chuẩn chung, nặng về kiến thức, chưa tiếp cận đánh giá theo năng lực…

Trước thực tế trên, Bộ Y tế dự kiến sắp tới sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh sẽ đề xuất có thêm quy định những người đã tốt nghiệp chuyên khoa ngành y, phải vượt qua kỳ thi sát hạch quốc gia với đủ các phần thi lý thuyết, thực hành mới được cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Đồng thời, sẽ quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề chỉ còn 5 năm. Đại diện Bộ Y tế cho hay đang chuẩn bị các nội dung như: Dự kiến ngân hàng đề thi, thí điểm làm thử để đảm bảo tính khách quan cho kỳ thi và việc cấp chứng chỉ… Khi siết chứng chỉ hành nghề y, thì dù đào tạo ở trường nào, hệ nào thì khi hành nghề, các bác sĩ đều có chung một chuẩn.

Chữa bệnh cứu người là vừa là một nghề, vừa là trọng trách của người thầy thuốc. Ngoài chuẩn hóa chuyên môn, tay nghề thì không thể xem nhẹ y đức. Nói cách khác người hành nghề y bao giờ cũng phải hội đủ 3 yếu tố y đức - y đạo - y thuật. Trong đó y đức là đạo đức nghề nghiệp, y đạo là hành nghề phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật và y thuật là kỹ năng thực hành y khoa. Đây được coi là điều kiện cần và đủ của một người thầy thuốc. Chính vì thế mà việc cho thuê chứng chỉ hành nghề y, hoặc bỏ qua việc giám sát hành nghề của người làm nghề y cũng là một việc làm trái với y đức.

An Thái