Sớm có quy định thống nhất
Một văn bản mới đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (TCGDNN- Bộ LĐTBXH) về việc yêu cầu 45 trường đại học (ĐH) dừng tuyển sinh hệ cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) từ 1/7/2019, đã sớm được điều chỉnh ngay sau khi vừa ban hành.
Cụ thể, trong chiều tối 29/7, TCGDNN đã ban hành văn bản gửi 45 trường ĐH, thống nhất để các trường này tiếp tục chủ động kế hoạch tuyển sinh các ngành, nghề trình độ CĐ năm học 2019-2020. Văn bản nêu rõ: “Sau khi tiếp nhận ý kiến của một số trường ĐH, góp ý của cơ quan có liên quan, TCGDNN tiếp thu ý kiến và thống nhất để các trường ĐH tiếp tục chủ động kế hoạch tuyển sinh các ngành, nghề trình độ CĐ năm học 2019-2020 đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN”.
Trước đó, ngày 17/7, TCGDNN đã có Công văn số 1322/TCGDNN-PCTT gửi các trường ĐH về việc tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ CĐ đối với các trường ĐH. Một trong những nội dung là đề nghị các trường dừng việc thực hiện tuyển sinh hệ CĐ theo quy định của Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Bên cạnh đó, Công văn cũng nêu danh sách 45 trường ĐH đang tuyển sinh hệ CĐ. Tuy nhiên, Công văn 1322/TCGDNN-PCTT cũng có đề nghị các trường ĐH có tên - nếu có vướng mắc trong thực hiện thì báo cáo về TCGDNN để xem xét và quyết định. Trước thông bất ngờ này, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một số trường ĐH cho biết, họ đang gặp khó khăn trong giải quyết tình huống. Bởi lẽ, các trường ĐH nhận được yêu cầu dừng tuyển sinh sau khi đã tuyển sinh hệ CĐ và chuẩn bị xong về cơ sở vật chất.
Chiểu theo tinh thần các quy định như Thông tư 57 của Bộ GDĐT, Thông tư 32 của Bộ GDĐT, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Luật Giáo dục nghề nghiệp… một số trường ĐH đang đào tạo hệ CĐ cho rằng nếu Luật Giáo dục nghề nghiệp coi trường ĐH là một đơn vị có thể đăng ký hoạt động đào tạo CĐ, TC thì các trường sẽ vẫn tiếp tục tuyển sinh các bậc học này, bởi Thông tư 32 và Thông tư 57 thấp hơn luật…
Theo phân tích từ các chuyên gia, dạy nghề có đặc thù riêng. Nếu một trường ĐH cùng sử dụng cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đó để xin chỉ tiêu ở cả Bộ GDĐT và Bộ LĐTB&XH để đào tạo 2 bậc học mà không tính đến việc quy đổi tương đương, ắt sẽ khó đảm bảo chất lượng.
Cho dù văn bản mới của Bộ LĐTB&XH đã tạo điều kiện để các khóa đã tuyển sinh hệ CĐ trong các trường ĐH được tiếp tục tổ chức đào tạo, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn về đào tạo ở hệ CĐ. Trong đó, trước hết cần có lộ trình rõ ràng trong quá trình “siết” tuyển sinh hệ CĐ trong các trường ĐH. Tiếp đó là việc đảm bảo chất lượng đào tạo hệ CĐ ở mức tương đương giữa khối trường nghề và các trường ĐH. Quan trọng hơn là cần rà soát căn cứ pháp lý, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người học. Âu cũng là để tránh tình trạng phải điều chỉnh/hoặc thu hồi văn bản ngay sau khi được ban hành.