Sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với thực tế

Từ Khôi 01/08/2019 07:00

Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, sửa đổi năm 2009 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, rất cần thiết tiếp tục sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với tình hình thực tế. Bài viết dưới đây xin nêu một số vấn đề bất cập đang diễn ra mà quy định của Luật Điện ảnh chưa phù hợp.

Sửa đổi Luật Điện ảnh để phù hợp với thực tế

Cảnh trong phim Những người viết huyền thoại.

Trong các loại hình nghệ thuật, điện ảnh là môn nghệ thuật được luật hóa đầu tiên. Điều này thật dễ hiểu vì điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác như văn học, âm nhạc, sân khấu, hội họa… lại liên quan đến nhiều vấn đề về kinh phí, bản quyền, nghệ sĩ, người lao động… Tuy nhiên, ở thời điểm xây dựng luật, bối cảnh thực tế chưa có sự nảy nở, phát triển đa dạng như khi hòa nhập với thế giới.

Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Đến ngày 18/6/2009 được sửa đổi bổ sung. Bên cạnh những tiến bộ đạt được trong quá trình thi hành, Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh, chưa bao quát hết được mọi vấn đề phát sinh trong thực tiễn hiện nay, chưa bắt kịp sự thay đổi và phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ trong công nghiệp điện ảnh thế giới…

Thực tế hiện nay cho thấy, Luật Điện ảnh chưa quy định được chính sách (hay hàng rào kỹ thuật) để bảo vệ điện ảnh dân tộc. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO và ký các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước và các tổ chức quốc tế. Luật Điện ảnh không quy định cụ thể số tỷ lệ chiếu phim nội tại các rạp và tại các khung giờ vàng. Vì vậy, thực tế đã khiến các rạp chiếu phim nước ngoài là chủ yếu. Có chăng phim Việt len lỏi được vào rạp dịp Tết nhưng chủ đầu tư phim bị ép tỷ lệ ăn chia rất cao.

Luật Điện ảnh lại quy định doanh nghiệp muốn nhập phim để phát hành phải có rạp chiếu. Điều này là trở ngại vô cùng cho doanh nghiệp trong nước khi đầu tư. Trong khi đó doanh nghiệp ngoại lại được hưởng một số ưu đãi. Trước khi Luật Điện ảnh được ban hành, cả nước chỉ có khoảng gần 100 rạp chiếu phim (mỗi rạp 01 phòng chiếu phim), chủ yếu là của các Công ty, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống rạp liên doanh với nước ngoài hầu như chưa có. Số lượng phim phát hành, phổ biến mỗi năm không quá 100 phim nhập và 10 phim Việt Nam.

Thế nhưng, khi Luật Điện ảnh quy định các doanh nghiệp phát hành phải có rạp chiếu phim thì sức cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại chiếm ưu thế. Đến năm 2018 cả nước đã có khoảng 930 phòng chiếu phim, trong đó số lượng phòng chiếu phim của các Công ty liên doanh với nước ngoài chiếm khoảng trên 60%. Công ty tư nhân khoảng 30%, đơn vị Nhà nước quản lý khoảng 10% số phòng chiếu phim; phim nước ngoài nhập khẩu năm 2018 là 234 phim và khoảng gần 40 phim Việt Nam.

Hiện tại, CGV đang chiếm ưu thế lớn về phát hành phim. Trong cuộc chiến cạnh tranh, các doanh nghiệp yếu hơn từng bước bị co hẹp thị phần. Tháng 3/2010, từng có 6 doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim nộp đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương nhưng kết cục không thay đổi được tình hình.

Khi rạp chiếu phim nằm trong tay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tức là thị phần chiếu phim nội rất hạn chế. Phim nội sản xuất ra không có phòng chiếu, hoặc bị o ép không được chiếu giờ vàng, thời gian ở rạp lại ít nên sức cạnh tranh rất khó. Những phim nội vừa qua tuy quảng bá doanh thu lớn hàng trăm tỷ đồng nhưng thực chất trừ các chi phí sản xuất, quảng cáo, chia cho chủ rạp thì lãi không được bao nhiêu.

Ngay cả đặt hàng sản xuất phim trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy Luật Điện ảnh có đề cập đến việc đấu thầu sản xuất phim nhưng thực tế sẽ khó khả thi. Bởi lẽ, để cho ra lò một bộ phim, cần sự đồng bộ từ các khâu: kịch bản, chọn đạo diễn, diễn viên, nhà đầu tư… Thế nhưng, đấu thầu lại chỉ thực hiện từng lát cắt. Ví như đấu thầu được sản xuất theo kịch bản nhưng biên kịch lại không đồng ý cho nhà đầu tư đó sử dụng bản quyền kịch bản của mình. Hay công ty thắng thầu lại không có khả năng thực hiện được kế hoạch… Thực tế của các nước có nền điện ảnh trên thế giới cũng chưa có việc đấu thầu này. Cách làm của họ là chủ đầu tư nào thấy kịch bản đạt chất lượng của mình thì huy động vốn sản xuất. Việc đấu thầu nghệ thuật khó có thể cân đong đo đếm như sản xuất hàng hóa đơn thuần. Vì thế, đến nay, cho dù Bộ VHTTDL có dự thảo đến lần thứ 8 Thông tư hướng dẫn đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng vẫn không thể thông qua.

Một quy định nữa của Luật Điện ảnh cũng trở nên lỗi thời là quy định “giấy phép con” khi thành lập doanh nghiệp sản xuất phim. Đó là Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Bộ VHTTDL cấp quy định vốn pháp định là 1 tỷ đồng và giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp phải có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong hoạt động điện ảnh. Điều này mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp 2014 bãi bỏ quy định chứng minh vốn pháp định.

Phim truyện điện ảnh được nhiều nước xác định như một di sản văn hóa. ở Việt Nam, tuy chưa có việc xếp hạng di sản cho phim nhưng lâu nay vẫn có quy định các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sản xuất phim phải nộp phim lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. Thế nhưng, vì không có chế tài nên thực tế các hãng phim tư nhân đa phần không nộp phim. Chỉ tính phim truyện, trong tổng số phim truyện tư nhân sản xuất từ 2006 - 2017 là 190 phim (phim nhựa, kỹ thuật số), nhưng cơ sở lưu trữ chỉ nhận được 3 phim. Và để bổ sung phim vào hệ thống lưu trữ, Viện Phim Việt Nam phải mua bổ sung 39 phim truyện Việt Nam.

Và Luật Điện ảnh cũng chưa có khái niệm “phim độc lập”. Cách gọi theo nước ngoài này chỉ để phân biệt phim do cá nhân bỏ vốn sản xuất. Nhưng thực tế để phim được duyệt và trình chiếu hoặc mang ra nước ngoài đều cần phải đăng ký qua một danh nghĩa pháp nhân cụ thể…

Từ Khôi