Tập trung phát triển kinh tế biên mậu

M.Loan 01/08/2019 07:00

Ngày 31/7, tại Lai Châu, ông Nguyễn Văn Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã chủ trì Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 tại tỉnh Lai Châu”.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá khách quan những thành tựu, kết quả nổi bật đã đạt được; những khó khăn, hạn chế qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Lai Châu; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đặc biệt là tham gia ý kiến về quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu đến năm 2030 tầm nhìn 2045.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của tỉnh Lai Châu qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cũng cho rằng, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng, do điều kiện tự nhiên nên đến nay Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh khó khăn nhất của cả nước. Vì thế, cần nghiên cứu để Nghị quyết mới tập trung tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh và địa phương trong vùng. Ông Bình nhấn mạnh cơ chế chính sách mới tập trung vào những vấn đề trọng điểm, từ đó có các đột phá và lan tỏa, đảm bảo nguồn lực và tổ chức thực hiện tốt để đưa các chủ trương chính sách vào cuộc sống.

Với đặc thù là vùng bảo vệ hệ sinh thái và cung cấp điện cho vùng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, phát triển và bảo vệ môi trường sinh thái của Lai Châu là trách nhiệm của cả nước. Tận dụng có đường biên giới và là cửa ngõ kết nối các tỉnh miền Nam của Trung Quốc với ASEAN và ra biển, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Lai Châu cần nghiên cứu đề xuất Trung ương đầu tư hạ tầng giao thông để khai thác và phát triển kinh tế biên mậu.

Lai Châu cũng cần tập trung phát triển nông nghiệp trong đó trong tâm là khai thác quỹ đất còn trống để trồng rừng và phát triễn gỗ. Đánh giá lại diện tích trồng cao su hiện nay xem chỗ nào cần duy trì, chỗ nào cần thiết chuyển hướng trồng các cây khác có giá trị cao hơn. Nghiên cứu thị trường để trồng một số loại cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị, tập trung vào một số sản phẩm chất lượng chứ không chạy theo số lượng sản phẩm. Tiếp tục củng cố phát triển kinh tế hộ, những nơi có điều kiện hỗ trợ bà con tham gia sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, giai đoạn đầu đẩy mạnh vai trò lãnh đạo các cấp, trách nhiệm các sở ngành nghiên cứu hỗ trợ nhân dân cách thức sản xuất, đầu ra sản phẩm và liên kết với các địa phương khác… Cần tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong phát triển hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm thời gian qua trong đó đặc biệt lưu ý phát triển giáo dục vì đây chính là vấn đề cốt lõi của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác dân tộc và tôn giáo, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền.

M.Loan