Bữa ăn học đường của trẻ em
Ngày 1/8, tại Hà Nội, Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua bữa ăn học đường của trẻ em”.
Quang cảnh Hội thảo.
Theo PGS TS Nguyễn Xuân Ninh, học sinh tuổi học đường đang chịu gánh nặng kép về suy dinh dưỡng thấp còi và thừa cân béo phì. Hiện nay, thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh, trong khi suy dinh dưỡng thấp còi vẫn tồn tại ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở các nước đang phát triển cũng như ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, thiếu vitamin A, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu iode rất phổ biến ở trẻ em học đường, là những yếu tố nguy cơ liên quan với tăng trưởng chiều cao chậm, suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường, trẻ vị thành niên cũng như người trưởng thành Việt Nam.
Liên quan đến Nhu cầu dinh dưỡng và Khẩu phần ăn của trẻ em lứa tuổi Tiểu học và Trung học cơ sở, PGS TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dương Quốc gia cho biết, khẩu phần ăn của học sinh tiểu học hiện nay đáp ứng cao hơn nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và protein, trong khi đó khẩu phần ăn của học sinh trung học cơ sở lại chưa đạt so với nhu cầu khuyến nghị về năng lượng, mức khẩu phần canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B và vitamin C.
Vì vậy, chế độ ăn cần quan tâm đến bữa ăn học đường, tăng cường rau quả, chất xơ, các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn.
Cũng tại Hội thảo, TS BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã giới thiệu bộ thực đơn theo cấp học và từng mùa với đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng và phong phú nguồn thực phẩm an toàn tại chỗ với đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết dành riêng cho học sinh tiểu học và Trung học Cơ sở do Viện Y học ứng dụng Việt Nam phối hợp nghiên cứu cùng Công ty TNHH Hương Việt Sinh. Đề tài đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu vào tháng 7/2019.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã được nghe các báo cáo cập nhật cập nhật tình hình và các giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng thông qua bữa ăn học đường của trẻ em và đi đến khuyến nghị.
Cụ thể, cần có các can thiệp ưu tiên và giải pháp đặc thù cho từng vùng để giải quyết gánh nặng kép về dinh dưỡng, phòng chống thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, đảm bảo chế độ ăn của trẻ tiểu học và trung học cơ sở phong phú, đa dạng, cân đối, giàu dinh dưỡng, đảm bảo đáp ứng từ 45-55% nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng và các vi chất thiết yếu đối với học sinh tiểu học và 30-40% nhu cầu đối với học sinh THCS. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều đường, muối, hình thành các thói quen ăn uống tốt và tăng cường tập luyện thể dục thể thao ngay trong giai đoạn này.
Đặc biệt, biến thực đơn bữa ăn học đường thành một công cụ giáo dục về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho trẻ em, phụ huynh học sinh, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội để cùng khuyến khích, hỗ trợ nhau thực hiện.