Sai sót chấm thi trắc nghiệm: Sớm xác định lỗi do máy hay con người

Minh Quang 02/08/2019 07:00

Thông tin chấm thi phúc khảo THPT quốc gia 2019 môn trắc nghiệm ở một số địa phương, đặc biệt là tỉnh Tây Ninh với 58 bài thi tăng từ 0 tới 8,75 điểm đang đặt ra nhiều băn khoăn: Lỗi do thí sinh, người chấm hay phần mềm?

Sai sót chấm thi trắc nghiệm: Sớm xác định lỗi do máy hay con người

Theo quy chế, việc tổ chức phúc khảo bài thi THPT quốc gia sẽ hoàn tất chậm nhất vào ngày 2/8.

Đơn vị chấm thi sẽ phải giải trình

Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), nguyên nhân của sự việc điểm phúc khảo tăng mạnh vừa qua tại Tây Ninh là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án. Đại diện Sở GDĐT Tây Ninh cho hay, trước khi công bố điểm thi, Sở rà soát điểm và phát hiện có 34 bài thi bị điểm 0. Sở xác định đây là điều bất thường và đã báo cáo ngay với Bộ GDĐT. Tuy nhiên Bộ chỉ đạo những trường hợp này xử lý theo diện phúc khảo, nên điểm thi vẫn được công bố.

Tại Đà Nẵng, theo thông tin từ Sở GDĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019 có 252 thí sinh yêu cầu phúc khảo bài thi; 595 bài thi/môn thi có yêu cầu phúc khảo. Sau phúc khảo có môn thi tăng từ 2,75 lên 7 điểm.

Tương tự, Nam Định cũng có 10 thí sinh với 14 bài thi sau chấm thi phúc khảo đã được tăng điểm số. Trong đó có những bài trắc nghiệm tăng từ 2 lên thành 7 hoặc 8.25 điểm. Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định cho biết, ngoài những thí sinh tô sai mã đề dẫn đến kết quả sai lệch thì những bài thi còn lại trong diện thay đổi điểm số sau chấm phúc khảo là trong ngưỡng cho phép có thể xảy ra.

Dẫu kỳ thi THPT quốc gia 2019 đến thời điểm này được đánh giá là an toàn, nghiêm túc, nhưng trước sự việc thí sinh được tăng nhiều điểm sau phúc khảo, nhiều người đang không khỏi lo lắng về quy trình, kết quả cũng như quá trình giám sát chấm thi THPT quốc gia năm nay. Ông Sái Công Hồng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) khẳng định, sự việc 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 ở Tây Ninh do lỗi của thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án khiến máy không thể nhận diện được hiện mới là nguyên nhân ban đầu theo báo cáo của đơn vị chấm trắc nghiệm, chưa phải kết luận cuối cùng của Bộ GDĐT. Sau khi kết thúc hoàn toàn khâu chấm Bộ mới kiểm tra rõ nguyên nhân tại đâu và các ban chấm thi trắc nghiệm phải có trách nhiệm giải trình. Sau khi mở nhật ký lưu vết sửa lỗi trong phần mềm chấm thi sẽ biết ngay nguyên nhân, song phải đợi hoàn tất quá trình chấm phúc khảo mới mở được. Bởi quy trình là được niêm phong toàn bộ, đến khi chấm thi xong thì Bộ mới có quyền nhận lại và kiểm tra. Việc thanh tra và kiểm tra chỉ được thực hiện khi và chỉ khi đã chấm xong phúc khảo. Với những trường hợp điểm bài thi tăng cao, phải kiểm tra để xem liệu có đúng như báo cáo của các ban chấm thi hay không, chứ không phải chỉ ngồi nghe báo cáo.

Phải đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Theo đánh giá ban đầu, Bộ GDĐT lý giải lỗi khiến 58 bài thi ở Tây Ninh bị chấm 0 điểm là do thí sinh tô mờ, sai số báo danh; trường ĐH chấm thi cho biết phần mềm chấm không nhận dạng được bài; đại diện Sở GDĐT Tây Ninh cho rằng lỗi thuộc về đơn vị chấm thi, vì đã bỏ qua khâu soát, sửa lỗi…

Còn theo phân tích từ các chuyên gia chấm thi, nguyên nhân dẫn tới việc máy chấm sai có thể đến từ 3 yếu tố: Thí sinh, người chấm và phần mềm. Thí sinh có thể tô sai mã đề, chưa xóa kỹ câu trả lời bỏ, đó là lỗi của thí sinh. Khi chấm, cán bộ chấm thi không nhận ra các lỗi này hoặc phát hiện nhưng không biết sửa thế nào, đó là lỗi của cán bộ chấm thi. Khi phần mềm không nhận diện được bài thi, đó là phần mềm lỗi. Tình trạng cùng một phần mềm nhưng thiết bị vận hành không chuẩn sẽ dẫn tới các sai số. Vì thế nếu hội đồng chấm thi trắc nghiệm nào chủ quan, dựa hết vào phần mềm thì rất dễ làm mất quyền lợi của thí sinh. Trong trường hợp cụ thể ở Tây Ninh, dù thí sinh có lỗi khi tô sai, tô mờ cũng không thể khiến một bài thi 8 điểm thành 0 điểm được, thậm chí hàng loạt bài thi, môn thi bị điểm 0 như thế thì cần phải xem xét cho thấu đáo. Không thể chỉ đổ lỗi cho thí sinh…

PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, từ thực tế chấm thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ở Thanh Hóa cho thấy có 2 loại lỗi ở bài thi trắc nghiệm. Một loại là lỗi bắt buộc phải sửa thì phần mềm chấm thi mới cho nhận diện chấm, đó là thí sinh tô sai số báo danh, tô sai mã đề. Loại lỗi thứ hai là thí sinh tô phương án trả lời quá mờ, hoặc thay đổi phương án trả lời nhưng xóa không hết phương án đã chọn trước đó, với loại lỗi này phần mềm chấm thi khuyến cáo nên kiểm tra. Rõ ràng nếu phần mềm ổn định thì trường hợp tô sai mã đề, số báo danh, hoặc tô nhầm số báo danh, mã đề của thí sinh khác, nếu không sửa, máy sẽ loại không chấm. Vì thế ông Tớp băn khoăn: Không rõ các trường hợp thí sinh ở Tây Ninh rơi vào lỗi gì, nhưng nếu do tô sai mã đề và số báo danh mà hội đồng chấm trắc nghiệm không kiểm tra thì cũng khó hiểu…

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH ( Bộ GDĐT) cho rằng dù là lỗi của thí sinh, hay ở khâu nào, vẫn khó có thể chấp nhận sai lầm ở khâu chấm thi tại kỳ thi tầm cỡ quốc gia. Còn theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GDĐT, sai sót trong việc chấm thi THPT quốc gia đã rõ ràng. Bộ GDĐT cần sớm vào cuộc, làm rõ trách nhiệm để trước hết đảm bảo quyền lợi của thí sinh, quan trọng hơn là đảm bảo những sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ không còn lặp lại.

Minh Quang