Nhiều ngân hàng giảm lãi suất
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Theo đánh giá của giới chuyên gia đây là động thái cần thiết để nắn dòng chảy vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Giảm 0,5 – 1% lãi suất cho vay
Bắt đầu từ tháng 8, 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước thông báo hạ lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên về 5,5%/năm, thời gian ưu đãi từ ngày 1/8 đến 31/12/2019.
Theo đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 5,5%/năm, thấp hơn 1,0%/năm so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất ưu đãi này được áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm 0,5% lãi suất cho vay với khách hàng có phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh việc giảm trần lãi suất cho 3 nhóm đối tượng ưu tiên nêu trên, BIDV cũng triển khai 2 gói tín dụng với quy mô lên tới 70.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 0,5%/năm so với hiện nay. Trong đó, gói tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô 60.000 tỷ đồng; gói tín dụng ngắn hạn dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô 10.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, sẽ giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các nhu cầu vốn của khách hàng tốt phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Làn sóng giảm lãi suất cho vay cũng được các ngân hang thương mại cổ phần hưởng ứng. Theo đó ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu bổ sung vốn lưu động. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được giảm ngay 1% lãi suất với các khoản vay tín chấp và 0,5% đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm (TSBĐ).
Như vậy, đây là lần giảm lãi suất cho vay VND lần thứ hai được các ngân hàng thực hiện chủ động trong năm nay. Lần thứ nhất, được thực hiện vào hồi đầu tháng 1 với mức giảm 0,5% tại các lĩnh vực ưu tiên.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Quyết định giảm lãi suất tại các lĩnh vực ưu tiên được cộng đồng doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia ủng hộ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ rất cần nguồn vốn giá rẻ để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng đầu vào đang tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất sẽ có tác động trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm một phần chi phí lãi vay, đồng thời, tăng niềm tin của doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng theo quan điểm của ông Lực, giảm lãi suất sẽ kéo theo hai hệ lụy. Đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% có thể bị phá vỡ nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Thứ hai sẽ tác động tới các mục tiêu kinh tế vĩ mô, bởi giảm lãi suất đồng nghĩa với nguồn cung tiền ra nền kinh tế sẽ tăng khiến áp lực lạm phát tăng. Và đây là tác động cần lưu ý, nhất là trong bối cảnh giá dầu giá và một số mặt hàng do nhà nước quản lý vẫn đang ở lộ trình tăng giá.
Trong khi đó theo quan điểm của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc giảm lãi suất về lý thuyết, có thể phần nào giúp khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn, giúp tăng cung vốn. Tuy nhiên, tác động về mặt thực tế có thể sẽ không lớn và mức độ lan tỏa chủ yếu ở một số lĩnh vực ưu tiên thay vì toàn bộ phân khúc khách hàng.