Ngày hội ‘Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo’
Ngày 2/8, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức họp báo thông tin về chương trình "Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo" và đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo năm 2019.
Họp báo Ngày hội "Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo".
Cụ thể, "Ngày hội Hiến máu cứu người" sẽ diễn ra vào ngày 4/8, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội). Dự kiến, sẽ gần 500 tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tham gia chương trình có ý nghĩa về đạo pháp và nhân văn sâu sắc này.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết "Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, hoạt động phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam".
Cũng theo Thượng tọa, Đức Phật xưa bố thí cho chúng sinh từ mắt, tay, chân, xương, thịt... Bố thí ở đây được hiểu là kính dâng, kính hiến, kính biếu. Một trong những đạo trở thành Phật, bố thí là đầu tiên, nếu chúng ta không dám hi sinh cơ thể mình cứu chúng sinh thì đạo đó không thành được không thành Phật... Ngày hội sẽ không chỉ dừng lại một ngày, Giáo hội mong mỏi đưa hoạt động này thành thường niên.
Đặc biệt, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội là nơi tu học của nhiều vị sư trụ trì, nhiều vị chức sắc ở các ban trị sự các tỉnh thành, vì vậy sau hoạt động này chắc chắn tinh thần nhân ái này được lan tỏa rộng khắp.
"Tôi rất mong muốn sẽ là người đầu tiên được tham gia hiến máu tại Ngày hội, sau đó sẽ đăng ký hiến tạng" Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.
Theo số liệu thống kê, năm 2018, cả nước đã vận động và tiếp nhận gần 1,6 triệu đơn vị máu (trong đó trên 98% là người hiến máu tình nguyện), tương đương với gần 1,8% dân số hiến máu.
Bên cạnh nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Tính đến tháng 7/2019, cả nước có gần 25.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng và bộ phận cơ thể người sau khi chết não và Việt Nam đã thực hiện được trên 3.000 ca ghép tạng.
Trong những năm qua, việc tuyên truyền hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với chức năng và nhiệm vụ được giao, trong nhiều năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến tặng giác mạc và bộ phận cơ thể người, để đem lại sự sống hồi sinh cho các bệnh nhân.
Để đạt được kết quả này là có sự đóng góp rất lớn của các Tăng Ni Phật tử tham gia đăng ký hiến tặng mô tạng và bộ phận cơ thể người với tinh thần "Cho đi là còn mãi".