NATO: Vũ khí hạt nhân mới sẽ không được triển khai ở châu Âu sau khi Hiệp ước INF sụp đổ
Sự khẳng định này được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Hiệp ước Vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 đã chấm dứt bắt đầu từ ngày 2/8 theo đề xuất của Washington.
(Nguồn: Reuters).
Trong cuộc họp báo hôm 2/8 tại Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO sẽ không triển khai các tên lửa hạt nhân trên mặt đất mới ở châu Âu sau khi Hiệp ước INF bị phá vỡ.
“Mặc dù hiệp ước đã chính thức chấm dứt vào ngày 2/8 nhưng khối liên minh quân sự NATO không muốn "một cuộc chạy đua vũ trang mới", ông Stoltenberg nói và cho biết rằng điều đó có thể được ngăn chặn.
Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết thêm, NATO sẽ không có hành động vội vàng sau khi Hiệp ước INF chấm dứt.
Ông Stoltenberg cũng cho biết, NATO tin chắc rằng có thể đồng ý về một thỏa thuận mới với Nga sau sự sụp đổ của INF.
Ông Stoltenberg cũng đã giải đáp các vấn đề về hệ thống phòng không S-400 của Nga đã được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước và khẳng định, các thiết bị quân sự do Nga sản xuất sẽ không được tích hợp vào bất kỳ hệ thống phòng thủ nào của NATO.
Hiệp ước cấm triển khai vũ khí hạt nhân trên mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, đã bị chấm dứt bắt đầu từ ngày 2/8 theo đề xuất của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố trước đó trong ngày.
"Vào ngày 2/8/2019, Hiệp ước giữa Liên bang Xô viết và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về việc loại bỏ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, được ký kết tại Washington vào ngày 8/12/1987, đã chấm dứt theo đề xuất của phía Mỹ", trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã xác nhận việc rút khỏi hiệp ước nhưng vẫn khẳng định Nga là bên phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của hiệp ước này.
Trước đó, tháng 10/2018, Washington tuyên bố ý định hủy bỏ hiệp ước, với cáo buộc Nga đã vi phạm thỏa thuận.