Đại đức Sơn Vọng- người phất cao ngọn cờ đoàn kết

Nguyễn Túc 03/08/2019 16:06

Khơme - Kinh trong sự nghiệp giữ nướcNhân dịp kỷ niệm 102 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/1992), đáp ứng ước nguyện của các chiến sĩ tử tù trong những năm chống Mỹ nêu trên báo Đại Đoàn Kết, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức cho 48 chiến sĩ tử tù mà Mỹ - Ngụy chưa kịp thi hành án, ra thăm Thủ đô, viếng Bác Hồ, thăm các tỉnh và thành phố phía Bắc.

Đại đức Sơn Vọng- người phất cao ngọn cờ đoàn kết

“Phong trào Chu Chuọc” ở xã Ninh Thạnh Lợi đã có tác động lớn đến Đại đức Sơn Vọng. (Ảnh: T.Đ.).

Tham gia Đoàn có hai tử tù người Khơme Nam Bộ. Đó là Thạch Chơi và Thạch Hoa.

Trong một cuộc họp báo do Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương và Ban Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam đồng tổ chức, Thạch Chơi và Thạch Hoa đã giới thiệu về truyền thống yêu nước của đồng bào Khơme miền Tây Nam bộ và một trong những nhân vật tiêu biểu là Đại đức Sơn Vọng. Theo các anh:

Đồng bào Khơme Nam bộ là một thành viên lớn trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Suốt gần một thế kỷ bị thực dân Pháp thống trị, đồng bào Khơme luôn sát cánh cùng đồng bào Kinh – Thượng sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và bọn tay sai bán nước.

Cách mạng tháng Tám thành công và tiếp đến là 9 năm kháng chiến trường kỳ, đồng bào Khơme đoàn kết dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, rồi Liên Việt đã cùng các tầng lớp nhân dân Nam Bộ đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu hiểm độc nhằm “chia để trị” của địch.
Nhiều gương đấu tranh cách mạng kiên cường, hy sinh anh dũng của đảng viên, sư sãi, trí thức và đồng bào Khơme trong kháng chiến chống Pháp đã được lưu danh.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ thay chân Pháp. Để thực hiện chính sách thực dân mới, Mỹ cùng chính quyền Sài Gòn bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc hơn tiếp tục thực hiện chính sách “chia để trị”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” song song với chiên dịch “tố cộng”, “diệt cộng”.

“Tức nước, vỡ bờ”, một phong trào đấu tranh chính trị diễn ra sôi nổi, rộng khắp và liên tục ở khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, nơi có đông đồng bào Khơme sinh sống với vai trò một “thủ lĩnh”, người Khơme, Đại đức Sơn Vọng là đi đầu trong cuộc đấu tranh chống Mỹ. Đại đức Sơn Vọng sinh năm 1886 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp ở đầu thế kỷ XX đã làm cho đồng bào quê ông, cả n gười Khơme lẫn người Kinh sống vô cùng cực khổ. Tình cảnh đó đã tác động mạnh đến cách nghĩ của chàng thanh niên Sơn Vọng. “Phải tìm mọi cách tháo nước vào để cứu lúa”. Theo lời kể lại của cụ Maha-Thông – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Long những năm 90 của thế kỷ trước, người đã gắn bó lâu năm với Đại đức Sơn Vọng cả việc đạo lẫn việc đời. Và “Những suy nghĩ ban đầu đó lớn dần trong con người của Đại đức và biến một vị chân tu thành một nhà yêu nước thực thụ”. Cũng như nhiều thanh niên Khơme khác, Sơn Vọng vào chùa “quy y” với một hoài bão lớn: “Quyết tâm học đạo cho yên thân để giải phóng mình và đồng bào mình khỏi đắng cay, cơ cực, khỏi đàn áp, bóc lột và bất công xã hội”.

Hoàn thành nghĩa vụ “quy y”, cũng là lúc phong trào cách mạng bắt đầu nhen nhóm ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Cuộc khởi nghĩa vũ trang năm 1927 trong “Phong trào Chu Chuọc” ở xã Ninh Thạnh Lợi(1) đã tác động lớn đến Đại đức Sơn Vọng. Ông đi sâu về nông thôn vận động đồng bào đứng lên đánh giặc, giải phóng đất nước để mọi người được sống tự do.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại đức là một trong những người Khơme đi đầu trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống chủ trương xóa vị trí dân tộc thiểu số của đồng bào Khơme Nam bộ như: xóa bỏ chữ dân tộc; văn hóa, tập quán, y phục dân tộc; xóa luôn các họ của người Khơme (Sơn, Danh, Thạch, Kim v.v…).

Theo Đại đức: Chủ trương này của kẻ thù bóp nghẹt khát vọng sâu xa của những người Khơme là bình đẳng dân tộc, bảo tồn văn hóa, văn minh và bản sắc của dân tộc mình. Nó chà đạp thô bạo tinh thần dân tộc, khơi dậy và thổi bùng ý thức tự tôn dân tộc và mọi người Khơme đã vùng lên, làm thất bại âm mưu cưỡng bức đồng hóa dân tộc.

Dù tuổi cao, sức yếu, với lòng yêu nước, yêu dân tộc nồng nàn, Đại đức Sơn Vọng quanh năm đi “vãn cảnh” các chùa, thực chất là đi khơi dậy và động viên lòng yêu nước trong các sư sãi, các tăng ni, phật tử. Nhiều ngồi chùa được Ngài Đại đức “vãn cảnh” đã trở thành “địa chỉ đỏ”, nơi cất giấu tài liệu, nuôi chứa, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Nhiều hầm bí mật được đào ngay dưới chính điện. Có nơi, hầm được đào ngay trong phòng sư cả, sư phó v.v…

Chính Đại đức Sơn Vọng là người trực tiếp chỉ đạo cuộc biểu tình lớn ngày 14 tháng 9 năm 1960 với sự tham gia của hàng vạn đồng bào và sư sãi Khơme ở Trà Vinh đấu tranh đòi địch phải tôn trọng chùa chiền, thả những nhà sư bị bắt, không được bắt sư sãi đi lính. Trước lực lượng đông đảo và khí thế đấu tranh quyết liệt của những người tham gia, địch buộc phải nhận đơn kiến nghị và hứa giải quyết mọi yêu sách của dân.

Một tuần sau, đúng ngày 20 tháng 9 năm 1960, trên 2 vạn đồng bào Kinh và Khơme từ các xã lân cận kéo về thị xã Trà Vinh, phối hợp với 5 nghìn nhân dân thị xã tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ chống những chính sách hại dân, đàn áp phật giáo của địch. Trong cuộc đấu tranh một mất một còn đó, ta đã hy sinh mất 10 người, hơn một trăm đồng bào bị thương, song địch đã phải nhượng bộ, chấp nhận những yêu sách mà cuộc biểu tình đã đề ra. Trong cuộc đấu tranh đó, Tỉnh ủy ghi cộng và đánh giá cao vai trò chỉ đạo và tập hợp lực lượng của Đại đức Sơn Vọng, mặc dầu lúc đó Ngài đã ngoài 74 tuổi.

Trong suốt 6 năm trời, từ 1954 đến 1959, nhân dân miền Nam kiên trì sử dụng các hình thức đấu tranh hòa bình đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi chính quyền Sài Gòn lập lại quan hệ bình thường với miền Bắc, tiến hành hiệp thương bàn việc Tổng Tuyển cử thống nhất nước nhà; đòi chấm dứt khủng bố; chấm dứt việc cướp ruộng đất của nông dân, thực hiện dân sinh, dân chủ, đòi bình đẳng dân tộc, tôn giáo v.v… Những yêu cầu hợp tình, hợp lý, hợp pháp đó của nhân dân miền Nam được kẻ thù đáp lại bằng những chiến dịch đàn áp đẫm máu.

Kẻ thù đã đặt nhân dân miền Nam vào thế phải vùng lên đấu tranh để giữ sinh mệnh và tài sản của mình, xóa nỗi đau nô lệ và cảnh đất nước bị chia cắt. Trong bối cảnh đó, theo truyền thống đoàn kết của dân tộc, theo sáng kiến của những người cộng sản, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời nhằm tập hợp mọi tổ chức, cá nhân yêu nước chống Mỹ - Diệm.

Và Đại đức Sơn Vọng – một nhân vật có uy tín lớn không chỉ trong đồng bào Khơme, mà cả trong người Kinh, người Hoa ở miền Tây Nam bộ, người thực hiện xuất sắc khẩu hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra là “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết. Thành công, Thành công, Đại thành công” đã được Đại hội bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam và Cố vấn Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ.

Điều đáng quý ở Đại đức Sơn Vọng là: Ở Người, nói đi đôi với làm. Đã nói là làm và làm cho bằng được. Vì vậy, đồng bào tin Đại đức, làm theo Đại đức một cách tự nguyện.

Năm 1963, trên đường công tác, Đại đức Sơn Vọng lâm bệnh nặng và từ trần ngày 5 tháng 3 năm 1963.

Như nhà sư Maha Thông – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cửu Long nhận xét về Đại đức Sơn Vọng:

“Mặc dầu Đại đức Sơn Vọng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng tấm gương của Đại đức còn lưu lại cho những thế hệ sau rất dài, rất sâu đậm, không chỉ trong lòng đồng bào Khơme, mà còn sống mãi trong lòng đồng bào Kinh, đồng bào Hoa ở Nam bộ”, Một gương sáng về tinh thần yêu nước và về đại đoàn kết dân tộc”.

Nguyễn Túc