Bão số 3 đổ bộ vào đất liền
Đêm ngày 2/8 bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 - 11 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Chiều ngày 2/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác chống bão số 3 tại khu vực neo đậu tránh trú bão Ba Lan (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) Ảnh: Báo Quangninh.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng từ sáng 2/8 có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10 - 11. Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát tại khu vực neo đậu tránh trú bão Ba Lan (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long). Lãnh đạo tỉnh đã báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng về công tác chủ động phòng, chống bão số 3. Trước diễn biến của bão số 3, tỉnh đã dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để đến các địa bàn kiểm tra công tác ứng phó.
Công tác phòng chống đã được chuẩn bị chu đáo; việc theo dõi, ứng trực cơn bão được thực hiện 24/24h từ cấp tỉnh đến cơ sở. Gần 9.000 tàu, thuyền hoạt động tại địa bàn tỉnh đã di chuyển về nơi tránh trú an toàn, trên 10.000 ô lồng nuôi thủy sản đã được các chủ lồng chằng chống, gia cố… Về khách du lịch trên các tuyến đảo, hiện còn 311 khách có nhu cầu ở lại, trong đó có 4 khách nước ngoài. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án ăn, nghỉ và đảm bảo an toàn cho du khách.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng, chống bão số 3 đồng thời lưu ý, bão số 3 di chuyển chậm, là cơn bão mạnh, mức độ tàn phá khi đi qua sẽ rất lớn, do đó không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh công tác chuẩn bị phòng, chống tốt, cần phải cập nhật thường xuyên tình hình, diễn biến của bão; chuẩn bị kỹ phương châm 4 tại chỗ, chủ động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực ứng phó nhanh, kịp thời; đảm bảo phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn cho các khu khai trường, hầm lò và bãi thải. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn, do đó không được chủ quan, hết sức tập trung đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động cũng như người dân xung quanh khu vực khai thác…
Tại Hải Phòng, khu vực các cây cầu lớn như Bạch Đằng, Tân Vũ - Lạch Huyện nơi cửa sông, cửa biển, Cục Quản lý đường bộ I - Tổng cục Đường bộ cho biết, các đơn vị chức năng đã bố trí túc trực 24/24h, nếu sức gió tăng lên cấp 7, cấp 8 sẽ tiến hành hạn chế các phương tiện qua cầu. Bão số 3 đổ bộ vào đất liền sức gió có thể vượt cấp 10, phải tiến hành cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Bạch Đằng theo phương án tổ chức giao thông đã được phê duyệt. Các phương tiện từ Quảng Ninh - Hải Phòng sẽ quay đầu tại trạm thu phí để lưu thông theo Quốc lộ 18, còn các phương tiện từ Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ qua trung tâm thành phố, qua Quốc lộ 10 để vào Quốc lộ 18. Theo ghi nhận của PV, chiều 2/8, một số khu vực của Quảng Ninh, Hải Phòng đã có gió mạnh dần lên, nhất là tại cầu Bạch Đằng, Tân Vũ – Lạch Huyện.
Cùng với việc hạn chế người dân đi lại trên những cây cầu gần biển, thì phà Rừng nối thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh với huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng với hơn 2 nghìn lượt khách qua lại mỗi ngày cũng dừng hoạt động từ tối 1/8. Cầu Bãi Cháy nối 2 bờ TP Hạ Long cũng có phương án cấm xe máy, xe thô sơ lưu thông khi có gió giật cấp 7 trở lên.
Tại Thái Bình, nơi cơn bão sẽ đổ bộ, cùng với việc ban hành nhiều Công điện chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3, nhiều đoàn công tác của tỉnh đã về các địa phương kiểm tra, chỉ đạo phòng chống tại hiện trường...
Kiểm tra số khu neo đậu tàu thuyền, công trình thủy lợi và đê điều trên địa bàn 3 huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng chức năng không được lơ là, chủ quan. Kiên quyết di dời các phương tiện tàu, thuyền vận tải hoạt động trên hệ thống sông nội địa vào nơi an toàn. Đảm bảo đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực sẵn sàng bảo vệ các điểm đê xung yếu cũng như các công trình đê, kè, cống đang thi công, nhất là các điểm đê xung yếu thuộc các xã: Nam Phú, Nam Hưng, Nam Hồng (Tiền Hải).
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung kêu gọi, đôn đốc các lao động tại các chòi canh ngoài đê vào bờ. “Địa phương nào để ngư dân, người lao động còn ở ngoài biển người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm” - ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương phải đặc biệt coi trọng nhiệm vụ tiêu nước, tiêu úng bảo vệ lúa, hoa màu và các vùng nuôi trồng thủy sản; các xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi phải phân công cán bộ ứng trực, tổ chức vận hành hệ thống bơm tiêu úng tại các cống, trạm bơm.
Kiểm tra công tác kêu gọi tàu, thuyền, ngư dân ở khu vực cửa biển Diêm Điền (huyện Thái Thụy) vào sáng 2/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo chính quyền huyện và Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Diêm Điền thực hiện nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền ra khơi; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với tất cả các tàu, thuyền, phương tiện đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; đồng thời chủ động kiểm tra, hướng dẫn, bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền neo đậu tại bến.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 3 đến 4/8, Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100 - 300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200 - 400mm/đợt). |