Kiểm tra đánh giá trong giáo dục đại học: Phải hướng tới thực học
Kiểm tra đánh giá vừa là mục tiêu vừa là nội dung cụ thể của quá trình đào tạo, cũng lại là một phương pháp để đo lường, đánh giá chất lượng của hoạt động đào tạo đó. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hiện chính sách kiểm tra đánh giá trong giáo dục đại học (ĐH) ở nước ta vẫn còn khoảng trống, thiếu sự minh bạch, rõ ràng.
PGS.TS Vũ Đỗ Long.
Trong tuần qua, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức diễn đàn “Sơ khảo chính sách khảo thí một số trường đại học” nhằm đưa ra định hướng, đề xuất bổ sung hoàn thiện chính sách kiểm tra đánh giá trong ĐHQGHN nói riêng và giáo dục ĐH nói chung. Phóng viên Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Đỗ Long - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông có nhận xét gì về cách kiểm tra đánh giá của các trường ĐH hiện nay? Liệu có phải hơi “nương tay”, các em sinh viên ra trường với tấm bằng khá, giỏi rất dễ dàng. So với thời của ông đi học, có khác gì không?
PGS.TS Vũ Đỗ Long: Về câu hỏi này, tôi cũng nghe nhiều chia sẻ của các thầy cô. Đúng là có sự khác biệt, xuất phát từ tâm lý chung của xã hội. Với các giáo viên hiện nay có hơi “nương tay” cho các em, tôi nghĩ cũng là mong muốn tích cực. Thứ nhất, thầy cô mong rằng các em ra trường có bảng điểm tạm ổn, cũng chính là mong các em có cơ hội tìm kiếm việc làm dễ. Thứ hai, có thể quan điểm cho điểm thời nay cũng thoáng, mở rộng hơn hồi xưa. Ngày xưa, người ta yêu cầu anh phải có kiến thức thật tốt, nền tảng thật vững mới cho điểm cao. Thực ra, bản thân tôi là giáo viên được 20 năm cũng có những “châm chước” cho các em. Thấy các em ngoan ngoãn, đến lớp đầy đủ, ghi chép bài đầy đủ và có ý thức học, bản thân giáo viên cũng thấy nên có động tác khuyến khích các em. Khuyến khích, “châm chước” như thế nào? Là cho các em đề cương sát hơn, ôn tập dễ hơn… Chính những động thái ấy, cách làm ấy giúp các em được điểm cao thôi. Còn chấm bài thì vẫn rất đúng. Cách tổ chức dạy và ôn tập thì có thể là ôn tập nhiều hơn, cho đề cương gần hơn.
Một điểm khác nữa so với ngày xưa, đó là bài thi bây giờ cũng có cơ chế tốt hơn. Các em có điểm giữa kỳ, điểm thường xuyên. Điểm thường xuyên như là điểm chuyên cần, chỉ cần các em đi học đủ là được điểm cao rồi. Điểm giữa kỳ là các em học nửa kỳ đã thi rồi nên các em có khoảng kiến thức ôn tập không quá lớn. Còn ngày xưa như thời tôi và các anh chị đi học thì đều học cả năm, rồi đến cuối năm mới thi. Như vậy thì ôn tập rất nhiều nên cũng khó được điểm cao.
Hoạt động kiểm tra đánh giá của chúng ta so với các nước trên thế giới có nhiều điểm khác biệt không, thưa ông?
- Bản thân tôi đi học ở nước Nga, Ba Lan… hay các nước như Mỹ, Úc, Anh thì học ĐH do giáo viên chính môn đó phụ trách. Hình thức thi đa phần là vấn đáp. Có nơi gửi đề thi phòng đào tạo, hoặc gửi ban kiểm khoa… xong cho thi. Thi tuyển đầu vào thì độc lập, còn trong thời gian học thì do chính giáo viên ra đề thi.
Tuy nhiên, ở nước ngoài, đặc biệt là các trường ĐH đứng ở vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng trường ĐH thì lại có các tuyên bố chính sách về kiểm tra đánh giá một cách độc lập hiểu theo nghĩa được ban hành chính thức, độc lập và mang tính toàn vẹn, có nghĩa là bao gồm từ hoạt động đánh giá cơ sở giáo dục ĐH, đánh giá chương trình đào tạo cho đến đánh giá kết quả học tập của người học
Ông có thể nêu rõ hơn về khoảng trống của chúng ta trong kiếm tra đánh giá giáo dục ĐH hiện nay?
- Hiện nay các quy định về đào tạo của chúng ta rất rõ ràng. Học sinh phải học bao nhiêu tín chỉ trở lên thì được cấp bằng, thi điểm mức nào thì được qua môn, hay thi lại. Học sinh nợ bao nhiêu môn thì cảnh cáo lần 1, nợ bao nhiêu môn thì cảnh cáo lần 2 và bị đuổi học. Học sinh có điều kiện bảo vệ tốt nghiệp như thế nào thì được cấp bằng…
Nhưng quy định khảo thí thì vẫn có khoảng trống. Ví dụ quy định 1 môn thi 2 tín chỉ chẳng hạn thì được khung thời gian không quá 60 phút, 3 tín chỉ không quá 90 phút. Điểm hệ số đánh giá là công bằng, chuyên cần, cuối kỳ…
Tuy nhiên vẫn còn trống ở chỗ nó không minh bạch, không rõ ràng, cụ thể như các trường ở tư bản làm. Các nước phát triển họ làm rõ ràng lắm. Ví dụ điểm 9 của họ cần phải thông thạo, biết phân tích. Điểm 10 phải có cái mới, viết sâu sắc. Điểm 5 là đủ hiểu kiến thức cơ bản… Trong chính sách của họ rất rõ thang điểm như thế nào, các mức khác nhau như thế nào. Còn hiện nay ở giáo dục ĐH tại Việt Nam mức đó tùy giáo viên quy định. Quy định về điểm cũng như vậy. Nhiều quy định của chúng ta mang tính nêu tên còn chưa có mô tả cụ thể. Các nước khác họ nêu tên và mô tả đặc tính quy định đó.
Từ những khác biệt nêu trên, ông mong muốn chính sách kiểm tra đánh giá giáo dục ĐH Việt Nam sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới đây?
- Chúng tôi vừa ngồi với nhau tại diễn đàn “Sơ khảo chính sách khảo thí một số trường đại học”, vì nhận thấy những điểm trống chưa rõ. Chúng tôi có khảo sát 4 trường ĐH là HongKong (Trung Quốc), Queensland (Australia), New South Wales (Australia), York (United Kingdom) nằm trong TOP 200 của Bảng xếp hạng trường ĐH thế giới (THE WUR) năm 2019 để đưa ra đề xuất với ĐHQGHN.
Có 14 hợp phần tạo thành cấu trúc chính sách kiểm tra đánh giá kết quả học tập của các trường ĐH được khảo sát. Trong các tiêu chí chúng tôi nêu ra của 4 trường ĐH thì trong vòng 1 năm tới, chúng ta chỉ cần làm được từ 1 đến 2 tiêu chí quy định rõ ràng cho các trường thành viên trong ĐHQGHN đã là thành công. Mỗi trường có một tiêu chí chính sách khác nhau. Để áp dụng chung cho tất cả còn cần rất nhiều thời gian nữa.
Khi ĐHQGHN thực hiện như thế, thì trong thời gian tuyển sinh hiện nay rất nhiều trường ĐH lại đang lấy điểm đầu vào rất thấp, chấm điểm cũng rất dễ để sinh viên tốt nghiệp được, lấy bằng khá giỏi để đi xin việc tốt. Điều này có tạo ra sự không công bằng đối với các sinh viên với nhau không?
- Chắc chắn rồi, nhưng đây cũng là bài toán khó của cơ chế thị trường. Bản thân tôi nghĩ rằng với xu hướng hiện tại, chất lượng làm việc là cái quan trọng. Và xu hướng tất yếu của xã hội hiện nay người ta chọn việc làm, chọn người làm theo năng lực thực sự. Tôi cho rằng các trường cứ lấy tiêu chí chỉ tiêu tuyển sinh làm trọng, không để ý tới chất lượng thì điều đó sẽ dẫn tới hệ quả về sau. Theo tôi có thể gọi là vì chỉ tiêu tuyển sinh nhỏ trước mắt mà bỏ phát triển lâu dài của nhà trường. Có thể nhìn rõ nhất là sự đánh giá của xã hội với trường đó không tốt. Đây là cách phát triển hoàn toàn sai lầm.
Xin cảm ơn ông!
* 14 hợp phần tạo thành cấu trúc chính sách kiểm tra đánh giá kết quả học tập được đề xuất tại diễn đàn bàn tròn khảo thí lần thứ nhất, được Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN đưa ra, đó là: Triết lý đánh giá, nguyên tắc đánh giá, đánh giá đáp ứng chuẩn đầu ra, thông tin về việc đánh giá, mô tả điểm, cân bằng trong chấm điểm, điểm trung bình chung, công nhận và chuyển đổi tín chỉ, kỳ thi, phúc khảo, thẩm khảo kết quả và đánh giá lại, ngừng học, liêm chính học thuật, phản hồi.
* PGS.TS Vũ Đỗ Long: Một điểm khác nữa so với ngày xưa, đó là bài thi bây giờ cũng có cơ chế tốt hơn. Các em có điểm giữa kỳ, điểm thường xuyên. Điểm thường xuyên như là điểm chuyên cần, chỉ cần các em đi học đủ là được điểm cao rồi. Điểm giữa kỳ là các em học nửa kỳ đã thi rồi nên các em có khoảng kiến thức ôn tập không quá lớn. Còn ngày xưa như thời tôi và các anh chị đi học thì đều học cả năm, rồi đến cuối năm mới thi. Như vậy thì ôn tập rất nhiều nên cũng khó được điểm cao. Với xu hướng hiện tại, chất lượng làm việc là cái quan trọng. Tôi cho rằng các trường cứ lấy tiêu chí chỉ tiêu tuyển sinh làm trọng, không để ý tới chất lượng thì điều đó sẽ dẫn tới hệ quả về sau.