Biến thời cơ thành hiện thực
Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia. Từ đó, vấn đề đặt ra là tận dụng những lợi thế như thế nào.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30/6 vừa qua được kỳ vọng đem đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Không chỉ giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu, EVFTA còn góp phần giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Theo tính toán, khi EVFTA có hiệu lực sẽ tác động làm tăng GDP của Việt Nam 0,5% mỗi năm và đến năm 2025 sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 7 - 8% theo xu hướng tăng trưởng hiện tại.
Mặc dù lợi ích là vậy nhưng cho đến thời điểm này, nhiều DN Việt vẫn thờ ơ với thời cuộc. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công thương, có 86,1% DN biết đến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); 88% DN cho biết sẽ cải thiện sản xuất trong 3 năm tới. Tuy nhiên, DN Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để hội nhập quốc tế, chưa thể hiện sự hiểu biết, còn nhiều vướng mắc trong tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại.
Tại một cuộc hội thảo về nhận diện thời cơ thách thức hội nhập do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vào trung tuần tháng 7, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho hay, trong khu vực ASEAN, độ mở kinh tế của Việt Nam chỉ sau Singapore, nhưng năng lực hội nhập, cạnh tranh, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam xếp 77/140 nền kinh tế, ở mức trung bình; trong đó, năng lực cạnh tranh thể chế xếp 94/140, năng lực cạnh tranh DN 101/140. Có thể thấy, nhận thức rõ được các cơ hội mà CPTPP hay EVFTA mang lại, nhưng độ sẵn sàng của cộng đồng DN, các cơ quan quản lý vẫn còn thấp.
Ông Ngô Chung Khanh- Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công thương), cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia. Điều này giống như rất nhiều thuốc bổ trong cơ thể, nếu chúng ta đủ khỏe để hấp thụ thì rất tốt, nhưng nếu yếu thì sẽ là lợi bất cập hại.
Vậy, để hội nhập thành công, DN phải làm gì? ông Phạm Đình Thúy- Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho hay, để hội nhập thành công, có nhiều việc phải làm, trong đó đầu tư công nghệ là một trong những ưu tiên phát triển, tuy không phải là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, DN cần ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm mở rộng thị trường; nâng cấp công nghệ; tăng vốn; và cuối cùng là đào tạo lại lao động. Trên thực tế, chưa nhiều DN Việt Nam chưa tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu có nguyên nhân từ hạn chế công nghệ, song đây vẫn chỉ là một trong rất nhiều rào cản hội nhập của DN Việt Nam.