Thật khó định danh
Gây xôn xao dư luận vào những ngày đầu tháng 8 này là Nghị định 46/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1/8/2019, trong đó có quy định sử dụng các bài tập, các động tác mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy sẽ bị phạt hành chính. Một quy định vừa mới ra đời đã biết khó thực hiện vì để định danh được thế nào là khiêu dâm trong thể thao cũng còn mướt mồ hôi.
Cụ thể, Điều 7 của Nghị định nêu rõ: “Hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt thuộc về cơ quan thanh tra chuyên ngành, UBND và công an nhân dân các cấp, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển”.
Quy định này của Nghị định, theo chúng tôi, chắc ý đồ của những người soạn thảo cũng không nhằm vào những biểu hiện mang tính hình thức bên ngoài trong trang phục của các môn thể thao như dư luận mấy ngày qua đã ồn ã. Trong Nghị định không đề cập đến khái niệm trang phục hở hang, tức là hoàn toàn không nhằm vào những bộ trang phục “rất ít vải” của một số môn thể thao phô diễn vẻ đẹp hình thể. Tức là việc dư luận cho rằng môn khiêu vũ này, hình thể kia vốn cần phải được mặc như thế, như thế và không phải vì thế mà quy cho nó tội “khiêu dâm”, thì có lẽ những người soạn thảo và cơ quan ban hành Nghị định cũng hiểu như thế. Chả lẽ lại có ai đó hiểu lệch cái hình thể phô bày hết cỡ của những vận động viên thể hình là khiêu dâm? Chả lẽ lại có ai đó cho rằng một cặp đôi khiêu vũ với ánh nhìn đắm đuối, sự va chạm của cơ thể đầy gợi cảm là khiêu dâm?
Dư luận lo lắng thái quá chăng khi cho rằng chiểu theo Nghị định thì có thể bóng chuyền bãi biển, dance post, thể hình… sẽ bị xử phạt? Bởi vì rõ ràng trong Điều 7 của Nghị định chỉ đề cập việc xử phạt đối với những hành vi sử dụng các bài tập hoặc thi đấu mang tính khiêu dâm, đồi truỵ, trái với đạo đức và thuần phong mỹ tục Việt Nam. Vậy trong thực tế nếu có những việc lợi dụng thể thao để làm việc “khiêu dâm”, “đồi truỵ” thì quả thực là xứng đáng để phạt… Tức là nói như một lãnh đạo ngành văn hoá, Nghị định ra đời nhằm “răn đe là chính”, có thể được hiểu như là một bước lường trước những phát sinh của cuộc sống.
Thế nhưng, vì sao lại có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện này?
Để dư luận còn phải bàn ra tán vào trước hết là bởi tính khó khả thi trong câu chữ của Nghị định. Như chúng tôi đã nói ở trên, không ai lại bảo vận động viên Lý Đức với hình thể cuồn cuộn cơ bắp, mặc … ít vải nhất có thể, là khiêu dâm. Nhưng nếu vậy thì như nào là khiêu dâm? Về mặt lý thuyết có thể định nghĩa về khiêu dâm được (theo Từ điển tiếng Việt chẳng hạn), nhưng trong thực tế để xử phạt được một người vi phạm khiêu dâm trong thể thao là chuyện khó vô cùng. Ngay kể cả có giải thích như ông Phạm Xuân Phúc- Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL rằng trong môn múa cột nếu “không ưỡn quá mức”, “không cúi quá mức” thì vẫn là động tác đẹp, tức có thể hiểu là chỉ “phản cảm”, chỉ vi phạm khi “ưỡn quá mức”… thì để bắt phạt được ai đó múa cột mà “ưỡn quá mức” quả thực là rất khó. Chả lẽ thỉnh thoảng lại phải lập một hội đồng thẩm định xem vận động viên nào đó có “ưỡn quá mức” với môn thể thao múa cột hay không?
Có lẽ dư luận đã không quan tâm nhiều đến Nghị định 46 trong đó có quy định xử phạt hành vi “thể thao khiêu dâm” nếu như không có thêm phần trả lời của một vài người có trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong buổi họp báo quý II của Bộ, mà đoạn dẫn ở trên là một ví dụ. Câu chữ trong Nghị định đã được “bổ sung” bằng những câu trả lời quả là chỉ làm cho dư luận thêm bức xúc. Để “dẫn chứng” về “thể thao khiêu dâm”, đại diện của Bộ trong buổi họp báo đã nói về việc xuất hiện yoga khỏa thân, những động tác trong “suối nguồn tươi trẻ’… Một cách nói mà nghe xong thì người ta thực sự hoang mang về sự thiếu hiểu biết thực tế của những người có trách nhiệm.
Trong số rất nhiều ý kiến về Nghị định 46, chúng tôi đồng tình với ý kiến của HLV Trương Minh Sang (đội tuyển thể dục dụng cụ VN) đã được đăng tải trên một tờ báo đại ý rằng Nghị định ra đời không thừa bởi trên thực tế đã có những người cố tình “biến tấu” để lộ hàng, gây phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và bị phạt là đúng. Trong bài viết này chúng tôi cũng thấy không cần thiết phải lo lắng thay cho các vận động viên và các môn thể thao mà đặc điểm của nó mặc định là trang phục có khi chỉ đủ để che phần nhạy cảm nhất. Tính đúng đắn và lành mạnh, sự gợi cảm của các môn thể thao như thế đương nhiên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này. Người ta chỉ vi phạm khi nhân danh nó để làm việc khác.
Nhưng với những gì đã thể hiện trong văn bản của Nghị định thì đang khiến dư luận hiểu nhầm, hơn nữa quy định xử phạt để thực thi được là việc rất khó. Đây không phải là lần đầu tiên có những văn bản chưa thực sự rõ ràng về khái niệm và quy trình thực hiện.