Tên đường phố ở Thủ đô: Tốc độ đặt tên chậm hơn tốc độ làm đường
Với tốc độ phát triển đô thị nhanh, nhiều tuyến đường, phố và ngõ của Thủ đô Hà Nội đã hình thành. Trong khi nhu cầu đặt tên đường phố rất cần cần thiết thì cơ quan chức năng lại chậm trễ trong việc đặt tên đường. Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy. Và nảy sinh hiện tượng người dân tự phát đặt tên đường, phố. Phố Ngô Minh Dương, đường Huyndai, đường Ướp Lạnh, PS1, LS3, SD1, SD2, CD2… là những ví dụ.
Tấm biển phố Ngô Minh Dương khi chưa được gỡ.
Những tên đường… kéo dài
Giờ thì biển tên phố Ngô Minh Dương (đoạn nối từ Võ Chí Công ra đường Phạm Văn Đồng) đã được chính quyền sở tại và cơ quan chức năng gỡ bỏ. Người dân sau một thời gian đề biển số nhà gắn với tên phố Ngô Minh Dương cũng bắt dầu gỡ bỏ địa chỉ không đúng. Nhưng gỡ biển tên phố Ngô Minh Dương rồi thì chưa biết bao lâu nữa phố sẽ được đặt tên. Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã, thị trấn trên cả nước đều nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế.
Trong khi Hà Nội phát triển nhanh, nhiều tuyến đường, phố mới hình thành thì công tác đặt tên đường phố để quản lý rất chậm chạp. Để tiện lợi, người dân đều tự phát đặt ra cho dễ gọi. Tạm đặt thì chỉ đơn giản như: Đường Lê Văn Lương… kéo dài. Thế mà cũng mất đến hơn 2 năm đoạn “kéo dài” ấy mới có tên đường Tố Hữu. Rồi đường Lê Trọng Tấn “kéo dài”. Hay một khu vực khác người dân tự gọi là “Xã Đàn mới”, sau một thời gian sau đó mới được đặt là phố Ô Chợ Dừa. Tương tự, người dân tự gọi là phố “Thái Hà mới” sau cơ quan chức năng mới đặt là phố Yên Lãng…
Những cái tên từ “trên trời rơi xuống”
Không phải chỉ có trường hợp đường Ngô Minh Dương vừa qua là một cái tên không hiểu từ đâu mà ra. Hà Nội từng có những cái tên tự phát “kinh dị” như đường “Ướp Lạnh” xuất hiện từ năm 2015 nhưng phải tới tháng 8/2017 mới được chính thức đặt tên là đường Nguyễn Văn Giáp (tên người trợ thủ của vua Hàm Nghi).
Cùng với tên đường theo tên công ty “Huyndai” được báo chí nêu vừa qua, người viết bài này vừa thấy ở đường Phạm Hùng có một ngõ ghi tên “Ngõ Sim Co”. Đơn giản chỉ vì bên cạnh đó là tòa nhà của công ty Simco. Đây là địa bàn thuộc phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. Không biết cái ngõ rộng có tên Sim Co này có phải đã được thành phố đặt tên không? Trong đợt đặt tên đường và điều chỉnh đoạn phố của quận Nam Từ Liêm tháng 12/2014 thì “Ngõ Sim Co” không nằm trong danh sách.
Chưa kể, từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, nhiều đường phố của quận Hà Đông vẫn mang tên gọi cũ. Nhiều tên phố mang tên danh nhân bị trùng với các quận nội thành cũ như vừa có phố Quang Trung, Bà Triệu ở Hà Đông vừa có phố Quang Trung, Bà Triệu ở quận Hoàn Kiếm. Vì thế, trong các giao dịch nếu không viết đầy đủ tên quận sẽ dẫn tới tình trạng nhầm lẫn.
Ngõ Sim Co có đúng do thành phố đặt tên?
Sự chậm chạp khó hiểu
Tại sao việc đặt tên phố lại chậm chạp như vậy? Điều 17 Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ quy định: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ: Thành lập Hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để giúp ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nghiên cứu xác lập ngân hàng tên; lên danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên; lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn (Hội Khoa học lịch sử, Hội Văn học nghệ thuật...), các tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể và các nhà khoa học. Cần công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp tại các kỳ họp thường kỳ hàng năm”. Như vậy, quy trình đặt tên đường, phố rất chặt chẽ.
Thế nhưng, không thể đổ lỗi cho việc chậm đặt tên đường phố là do “quy trình” chặt chẽ. Việc đặt tên đường phố của Thủ đô vẫn có thể được kịp thời nếu “quy trình” đặt tên đường, phố được thúc đẩy sớm. Bởi lẽ, trước khi triển khai thực hiện mở đường, mở phố mới thì UBND TP Hà Nội, Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội và cơ quan chức năng khác đã có quy hoạch cụ thể. Tại sao không căn cứ từ việc quy hoạch đã được phê duyệt đó mà tổ chức lấy ý kiến sớm và quyết định. Để khi tuyến đường, phố thực triển khai xong thì tên đường, phố cũng sẽ được triển khai ngay.
Bên cạnh việc chủ động đặt tên đường phố từ khi còn trên thiết kế quy hoạch được duyệt, thiết nghĩ Hà Nội cũng cần rà soát ngân hàng tên. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ thì việc xây dựng ngân hàng tên đâu có khó khăn. Theo quy định, các tên sẽ được lựa chọn từ: Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa và có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hoá của đất nước hoặc địa phương; địa danh đã quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có mối quan hệ đặc biệt; Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hoá, xã hội; Tên di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương và đã được xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hoá; Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược có giá trị tiêu biểu của quốc gia hoặc địa phương; Tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài. Tất nhiên, khi lựa chọn tên nhân vật lịch sử mà còn có sự tranh cãi thì cần có ý kiến của cơ quan chuyên môn.
Sau khi cơ quan chức năng đã quyết định đặt tên đường, phố thì cũng nên tổ chức lễ gắn biển. Tất nhiên là việc tổ chức cần giản dị để tiết kiệm. Chỉ cần đại diện UBND phường, đại diện gia đình dòng họ của danh nhân (nếu có) đến thực hiện nghi lễ gỡ dải băng đỏ xuống rồi chụp ảnh lưu niệm là được. Như thế vừa tiết kiệm vừa mang tính chính danh, đồng thời tỏ lòng thành kính với danh nhân. Người viết bài này cũng vừa nhận được ý kiến tỏ ra không vui của bà Nguyễn Thị Minh Thùy- con gái họa sĩ Bùi Trang Chước (người vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam). Tên họa sĩ Bùi Trang Chước vừa được chọn đặt làm tên phố ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Thế nhưng vì không có lễ gắn biển nên gia đình phải tự tổ chức con cháu đến làm lễ.
Đặt tên đường phố ở Thủ đô không theo cách đánh số có lý do của nó. Ngoài việc để dễ quản lý đô thị, mặt khác cũng là tôn vinh danh nhân, văn hóa quê hương. Nhưng cũng cần chút nghi lễ để thể hiện văn hóa và tri ân với danh nhân…