Vụ nước đập dâng chuyển màu bất thường: Nhà máy quặng sắt đầu nguồn nước
Hơn 2 tháng sau khi nguồn nước đập dâng Vũ Quang (dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) chuyển màu, bốc mùi hôi thối. Nguyên nhân vẫn đang là dấu chấm hỏi. Dư luận nghiêng về 2 tác nhân chính là việc xả thải của Công ty CP gỗ MDF Thanh Thành Đạt và ô nhiễm lòng hồ Ngàn Trươi. Tuy nhiên, có một điểm đáng ngờ khác, đó là nhà máy quặng sắt Vũ Quang ở trên đập dâng.
Nhà máy sắt Vũ Quang dừng hoạt động đã nhiều năm.
Đầu nguồn Khe Trươi thuộc lưu vực Ngàn Trươi (một nhánh sông đổ về đập dâng Vũ Quang) có một lượng quặng sắt “khủng” của Công ty CP gang thép Hà Tĩnh (Cty gang thép Hà Tĩnh). Số quặng sắt này đã nằm phơi mưa, phơi nắng gần chục năm nay.
Nhà máy quặng sắt Vũ Quang được xây dựng vào năm 2008, trên diện tích 19 ha với tổng số vốn đầu tư hơn 158 tỷ đồng. Tháng 5/2009, nhà máy đi vào hoạt động với công suất ước 500.000 tấn quặng mỗi năm, mục đích chủ yếu là cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thép Vạn Lợi (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, từ năm 2010, nhà máy thép Vạn Lợi “khai tử”, nguồn nguyên liệu của nhà máy quặng sắt Vũ Quang vì thế ùn ứ và dừng hoạt động vào năm 2012.
Năm 2017 UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi giấy phép khai thác mỏ sắt tại xã Sơn Thọ của Cty gang thép Hà Tĩnh. Từ đó đến nay, những đống quặng sắt thô “khủng” nằm chất đống xung quanh nhà máy, không hề được che chắn.
Một người dân trú tại thị trấn Vũ Quang tiết lộ, toàn bộ quặng sản xuất tại nhà máy đều được khai thác ở các điểm mỏ thuộc xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang). NM này sản xuất 2 loại quặng là quặng đất và quặng đá.
Trong vòng 3 năm (từ 2009 đến giữa năm 2011), nhà máy này sản xuất bình thường, một ngày sản xuất khoảng 150 tấn. Khi nhà máy hoạt động thường xuyên cũng đồng nghĩa lượng chất thải đổ xuống các hồ xử lý rất lớn. Theo người đàn ông này, năm 2010 và 2011 cứ mưa xuống là nhà máy cho máy múc đất để nước thải xả ra Khe Trươi. “Nước vàng đục và chắc hàm lượng sắt chảy ra cũng sẽ nhiều. Nếu nước đập dâng đỏ do hàm lượng sắt cao thì rất có thể từ sắt Vũ Quang ra”, người dân này nói.
Ông Ngô Hồng Sơn, Phó giám đốc Cty Gang thép Hà Tĩnh cho biết, số lượng quặng tồn kho từ năm 2013 của nhà máy khoảng 80 nghìn tấn. Trong đó, 40 nghìn tấn thành phẩm, số còn lại bán thành phẩm. Phương án bảo vệ số quặng trên chỉ là hình thức, còn việc quặng bị bào mòn, mưa xuống tự oxi hóa chảy theo dòng nước mưa không là điều bất khả kháng.
Quặng sắt tồn chất đống, phơi mưa, phơi nắng nhiều năm liền.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thiều Quang, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang nhận định, nhà máy gỗ Thanh Thành Đạt chưa sản xuất chính thức, mới chạy thử nghiệm còn trong lòng hồ Ngàn Trươi màu nước vẫn trong xanh.
“Có thể nước đập dâng chuyển màu là do lượng sắt lộ thiên của nhà máy quặng sắt Vũ Quang gặp mưa ngấm xuống”, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang phán đoán.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 28/7, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành cũng cho biết, các nhà chuyên môn nhận định nguồn nước đỏ đục ở đập dâng Vũ Quang chủ yếu là do hàm lượng sắt cao. Các kết quả quan trắc gần đây cũng cho thấy hàm lượng sắt vượt ngưỡng quy định.
“Tổ công tác của Sở đã và đang kiểm tra xung quanh khu vực nhà máy sắt Vũ Quang. Kết quả kiểm tra đều cho thấy hàm lượng sắt ở đây cao”, ông Thành nói.
Theo Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh, mẫu quan trắc mới đây của Sở đã có kết quả nhưng đang chờ kết quả từ các đơn vị độc lập khác. Sau khi đối chiếu giữa các bên sẽ có kết luận cuối cùng.
Hệ thống máy móc để hoang hóa, hoen rỉ.
Trước đó, như báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, trung tuần tháng 5/2019, nguồn nước tại đập dâng Vũ Quang chuyển màu đỏ đục bất thường, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Cuối tháng 7/2019, tình trạng này tiếp tục tái diễn. Cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã lấy mẫu nước quan trắc, một số chỉ số như CO, COD, Fe vượt ngưỡng quy định. Tuy nhiên, tác nhân gây ra hiện tượng này vẫn chưa được tìm ra.
Ngày 31/7, tỉnh Hà Tĩnh cho xả kiệt đập dâng để tìm nguyên nhân nhưng sau đó dừng xả đột ngột. Theo lệnh của ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, sau 10 ngày (kể từ ngày 28/7), tổ công tác do Sở TNMT phối hợp với các sở ngành khác phải tìm ra nguyên nhân, nếu không tìm ra được thủ phạm sẽ tính đến chuyện mời cơ quan chuyên môn cao hơn tìm hiểu.