Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện thách thức
Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng đe dọa đời sống, gây thiệt hại lớn đến sản xuất của người dân vùng đất này.
Bài 1: Sạt lở ngày càng nghiêm trọng
Từ đầu năm đến nay tại một số địa phương ở vùng ĐBSCL liên tiếp xảy ra sạt lở bờ sông, cắt đứt nhiều đoạn giao thông huyết mạch.
Nhận định của các nhà khoa học, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang bước vào mùa mưa, nước lũ về muộn, thiếu phù sa bồi đắp nên đất ven sông đang bị “mất chân”, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở liên tục tại ĐBSCL những năm gần đây.
Giao thông chia cắt, người dân hoang mang
Tuyến đường Quốc lộ 91B từ Cần Thơ đi Campuchia có nhiều đoạn nằm cặp sông Hậu hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng. Những năm gần đây tốc độ sói lở của lòng sông ngày càng diễn biến phức tạp. Mới đây nhất là vụ sạt lở với chiều dài hơn 80m mặt đường của tuyến Quốc lộ này thuộc địa bàn huyện Châu Phú, tỉnh An Giang ngay đầu tháng 8, cắt đứt tuyến giao thông này.
Ông Trần Văn Đảm nhà ngay đoạn sạt lở, nói: “Tôi nghĩ rằng cơ quan chức năng phải có cách nào đó khảo sát dưới lòng bờ của tuyến này, đoạn nào bị lở phải nhanh chóng đắp cát hay gia cố lại, chứ để đến lúc bị lở mới lo đi lấy cát để lấp vào thì hậu quả và thiệt hại sẽ nặng nề hơn rất nhiều”.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, khu vực này có khoảng gần 30 nhà dân đang sinh sống nằm trong vùng nguy hiểm, hiện đã hỗ trợ di dời tài sản, vật dụng có giá trị đi nơi khác.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, nguyên nhân ban đầu gây sạt lở là do địa hình đáy sông Hậu có lạch sâu áp sát bờ, tác động dòng chảy đạp vào tạo hàm ếch và tác động của tải trọng phương tiện giao thông trên tuyến QL91 lớn nên gây ra sạt lở. Tình trạng giao thông tại khu vực trên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hồi đầu tháng 7 vừa qua vụ sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang rất nghiêm trọng đã làm cho 27 hộ dân rơi vào cảnh phải bỏ nhà đi nơi khác trú ngụ, vụ sạt lở này có chiều dài lên tới 150m, ăn sâu vào đất liền 6m…An Giang hiện đang gặp vấn nạn về tình trạng sạt lở liên tục.
Từ đầu năm đến nay tại một số địa phương ở vùng ĐBSCL như TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng…liên tiếp xảy ra sạt lở bờ sông, cuốn trôi nhiều nhà dân, uy hiếp, cắt đứt nhiều đoạn giao thông huyết mạch. Nhiều tuyến đường bê tông, bờ bao kết hợp tuyến giao thông nông thôn bị chia cắt.
Tỉnh Sóc Trăng cũng là một trong những địa phương ở ĐBSCL xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông, bờ biển. Ông Lê Ngọc Lâm (69 tuổi), ngụ tại ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách cho biết, chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 21 đến ngày 27/7 vừa qua), 2 căn nhà của gia đình ông bị Hà Bá nuốt gọn. Trong đó có 1 căn nhà sàn diện tích 75m², một nhà kho khoảng 120m2, ước thiệt hại trên 500 triệu đồng.
Ông Lâm vẫn nhớ như in hôm đó do không có sự chuẩn bị trước, trong khi trước đó cũng không có biểu hiện gì nên khi xảy ra sạt lở gia đình chỉ kịp chạy thoát thân, mặc cho toàn bộ tài sản bị cuốn trôi xuống sông.
Tần suất ngày càng mạnh
TP Cần Thơ có sông Hậu chạy qua, đây cũng là địa phương đã và đang hứng chịu nhiều vụ sạt lở dọc tuyến sông này.
Thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay TP đã xảy ra 20 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 400m, gây ảnh hưởng và làm sụp hàng chục căn nhà; ước thiệt hại tài sản gần 15 tỷ đồng. Toàn TP có khoảng 200 điểm sạt lở, trong đó 50 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm.
Vụ sạt lở tại huyện Châu Phú (An Giang) cắt đứt tuyến giao thông Quốc lộ 91B.
Trước tình hình sạt lở ngày càng gia tăng tần xuất và cường độ tại huyện Vĩnh Thạnh, mới đây ngành chức năng TP Cần Thơ đã phải kiến nghị Tổng cục Đường bộ khảo sát, có hướng xử lý đoạn kè sạt lở, đảm bảo an toàn cho Quốc lộ 80. Trước đó, đoạn sạt lở dài hơn 40m, bờ kênh Cái Sắn dọc theo tuyến quốc lộ này đã làm sụp 2 căn nhà của người dân, 2 căn sụp một phần và căn còn lại có dấu hiệu rạn nứt. Chính quyền đã khảo sát, yêu cầu người dân di dời, tháo dỡ tài sản đến nơi an toàn. Cũng ở khu vực này tháng 4/2019 vừa qua, đã xảy ra sạt lở dài 35m, cuốn trôi 4 căn nhà nằm liền kề nhau. Hai vụ sạt lở, gây thiệt hại về tài sản hơn 2 tỷ đồng.
Thống kê từ tỉnh Đồng Tháp hiện còn hơn 6.000 hộ dân sống trong vành đai sạt lở, có nơi tới 60m, cần phải khẩn cấp di dời, trong đó hơn 3.500 hộ dân đang sống trong vành đai sạt lở nguy hiểm. Số lượng điểm sạt lở ngày càng tăng, mỗi năm tỉnh Đồng Tháp mất khoảng 30-50ha đất. Chỉ tính dọc theo sông Tiền và sông Hậu đã có 21 xã, phường bị sạt lở, với 85 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 29km. Tính đến tháng 6/2019, sạt lở gây thiệt hại kinh tế cho địa phương gần 50 tỷ đồng. Mới đây, ở huyện Châu Thành của Đồng Tháp đoạn sông Nha Mân cũng xảy ra sạt lở khiến 5 căn nhà dân bị sụt lún, chìm dưới nước và 7 căn nhà khác buộc phải di dời.
Theo Sở NNPTNT Đồng Tháp, nguyên nhân sạt lở chủ yếu do tác động dòng chảy, hoạt động của con người, như: Khai thác cát không đúng quy định, xây dựng các công trình trái phép, neo đậu bè cá và nuôi thuỷ sản tại các bãi bồi lấn chiếm mặt sông làm thay đổi lòng dẫn và cản trở thoát lũ…
(Còn nữa)