Tỉnh táo lựa chọn dòng vốn FDI
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đóng vai trò rất lớn đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam. Thời gian qua, song song với những dự án FDI chất lượng tốt, nguồn vốn FDI chất lượng thấp vẫn đang “có cửa” chảy vào trong nước. Giới chuyên gia khuyến cáo, đối với nguồn vốn FDI vẫn luôn phải tỉnh táo, có sự cân nhắc khi lựa chọn để tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Vốn FDI chất lượng thấp vẫn chảy vào trong nước
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/7/2019, Việt Nam thu hút 2.064 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8.272,4 triệu USD, tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3.425,6 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 7 tháng năm nay đạt 11.698 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn FDI đổ nhiều nhất vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.059 triệu USD, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.785,6 triệu USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.473,4 triệu USD, chiếm 17,8%; Nhật Bản 1.123,7 triệu USD, chiếm 13,6%; Đặc khu Hành chính Hongkong (Trung Quốc) 991,6 triệu USD, chiếm 12%; Singapore 942,9 triệu USD, chiếm 11,4%; Đài Loan (Trung Quốc) 359,1 triệu USD, chiếm 4,34%...
Phải thừa nhận, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò rất lớn đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, song song với những dự án FDI mà chúng ta thu hút đã bảo đảm chất lượng vẫn còn nhiều dự án có vấn đề. Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Nội từng đưa ra nhận định: Thuận lợi là chúng ta đón nhận dự án đầu tư tốt, nhưng vẫn hạn chế ở chỗ chưa là ngăn chặn được những dự án chất lượng không cao, gian lận xuất xứ, các dự án có tác động không tốt đến môi trường.
Điều này cho thấy, dòng vốn FDI chất lượng thấp vẫn đang tiếp tục chảy vào trong nước. Đó là những dự án có công nghệ lạc hậu, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và nếu không ngăn chặn, những hệ lụy xảy ra đối với môi trường như chúng ta đã lĩnh hội thời gian qua sẽ còn tiếp diễn. TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: Nhiều địa phương vẫn đang dễ dãi tiếp nhận dòng vốn FDI không đảm bảo về độ “xanh, sạch”, điều này cần phải xem lại, các địa phương khi tiếp nhận dòng vốn FDI phải thật sự tỉnh táo, tiếp nhận một cách có lựa chọn.
Đâu là yếu tố quyết định?
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, chúng ta không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các DN FDI. Vấn đề quan trọng hiện nay là cơ quan tiếp nhận nhà đầu tư cần phải tỉnh táo, phải có sự chọn lọc. “Nếu bất kỳ nhà đầu tư nước nào mang đến Việt Nam công nghệ cao thì chúng ta vẫn hoan nghênh. Còn nếu mang vào công nghệ thấp thì chắc chắn sẽ bị chặn cửa và loại bỏ. Ở đây yếu tố quyết định nằm ở chính nhà quản lý chứ không phải nguy cơ hay mối lo gì cả”- ông Toàn nêu quan điểm.
Câu chuyện thu hút nguồn vốn FDI đã được nhắc đến nhiều, giới chuyên gia đã không ít lần cảnh báo, rất cần phải thận trọng, không dễ dãi trải thảm đỏ để tránh việc đối tác lợi dụng tuồn các sản phẩm công nghệ lạc hậu vào nước ta. Đó còn chưa kể, nhiều dự án không hiệu quả gây ô nhiễm môi trường, tình trạng chuyển giá, trốn thuế… xảy ra khá phổ biến.
Chính bởi vậy, theo GS.TS Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài, “Việt Nam cần phải thu hút FDI có chọn lọc, chỉ chấp nhận các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại, tiên tiến”- GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng khuyến cáo, chúng ta vẫn cần kiên định trong việc thu hút dòng vốn FDI và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước. Quá trình thu hút vốn FDI là chọn lọc đối với các dự án lớn, trọng điểm, các dự án phát triển tốt về môi trường và định hướng được dòng vốn FDI vào những ngành mà Việt Nam đang cần trong thời gian tới.