'Lỗ hổng' cấp phép
Khi Bộ VHTTDL vẫn đang trong lộ trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thì những “lỗ hổng” trong việc cấp phép vẫn đang được nhiều đơn vị tận dụng để “lách luật”.
Người đẹp Huỳnh Tiên từng gây bất ngờ khi chia sẻ những hình ảnh đăng quang ngôi vị Hoa hậu Châu Á 2016 (Miss Asia 2016) tại Sydney.
Loạn danh xưng
Có lẽ chưa bao giờ danh xưng tôn vinh người đẹp, hoa hậu lại nhiều như bây giờ. Từ những sự kiện lớn đến nhỏ các danh hiệu tôn vinh sắc đẹp dường như đã và đang gắn liền với các người đẹp như một nhãn mác bắt buộc. Chính vì nhu cầu quá lớn này mà nhiều chiêu trò đã được chính những người tổ chức và cả những người đẹp nghĩ ra để lách luật. Trước đó, vì danh hiệu nhiều người đẹp Việt Nam sẵn sàng tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế ở quy mô thấp. Tuy nhiên, việc xin phép các cơ quan quản lý đều áp dụng công thức “tiền trảm, hậu tấu” thi xong rồi về nộp phạt. Và thực tế nếu so với những gì quy định về mức nộp phạt chỉ vài chục triệu đồng, kèm theo những nhắc nhở, cảnh cáo dường như chẳng “thấm” với danh hiệu đạt được.
Thế nhưng “chiêu trò” này dường trong những năm trở lại đây đã trở thành “lỗi mốt” và cách làm có vẻ kinh phí giảm bớt đi rất nhiều. Bởi có “cung ắt có cầu” nhiều đơn vị tổ chức trong nước đã nghĩ ra đủ cách để lách luật, không thi “hoa hậu” thì đổi tên thành “người đẹp”, “nữ hoàng”, “hoa khôi”; không dùng được tiếng Việt Nam thì chuyển sang dùng tiếng nước ngoài... thậm chí “trá hình” theo một sự kiện. Nếu chú ý theo dõi, chắc chắn công chúng sẽ không biết đằng nào mà lần giữa các kiểu loại thi nhan sắc từ “Hoa khôi thể thao”, “Hoa khôi trí tuệ”, “Hoa khôi du lịch Hà Nội”... đến “Người đẹp thời đại qua ảnh”, “Người đẹp hoa anh đào”, “Người đẹp tỏa sáng”... Ðó là chưa kể các cuộc thi tôn vinh sắc đẹp thì ít mà quảng bá sản phẩm thì nhiều như “Nữ hoàng trang sức Việt Nam”, “Nữ hoàng cà-phê”, “Miss Auto”... thậm chí giờ đây nhan nhản vô số cuộc thi hoa khôi cấp ngành, cấp trường.
Đơn cử, mới đây trong vụ việc lùm xùm thi Nữ hoàng Thương hiệu, Sở VHTT Hà Nội gặp khó vì được quyền tiếp nhận giấy phép nhưng không được tước giấy phép. Chính vì vậy, khi BTC cuộc thi có các biểu hiện vi phạm tổ chức, chờ Sở VHTTDL Vĩnh Phúc lên tiếng rút giấy phép không thành, cơ quan quản lý của Hà Nội đành phải dùng đến chiếc gậy cuối cùng là đơn vị cho thuê địa điểm. Không dừng lại ở đó, việc liên kết, giao lưu nước ngoài cũng đã và đang như một “tấm thẻ bài” để nhiều đơn vị lách luật. Mới đây, chương trình Gala gặp gỡ hoa hậu và nữ doanh nhân Việt - Hàn 2019 đã phải dừng chỉ ít giờ trước khi diễn ra chương trình. Bởi BTC đã khôn khéo biến chương Gala này là đêm bán kết cuộc thi Hoa hậu doanh nhân Việt-Hàn 2019. Cuộc thi không thuộc thẩm quyền cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) hay bất cứ Sở nào do chung kết diễn ra tại Hàn Quốc, tuy nhiên đêm thi bán kết tại Hà Nội bị “tuýt còi” vì đơn vị tổ chức không có bất cứ thông báo, giấy phép nào liên quan vòng thi này tại Việt Nam.
Đợi đến bao giờ?
Có thể thấy việc loạn danh hiệu người đẹp đã và đang là vấn đề hiện hữu và chưa có một “liều thuốc” nào để giải quyết triệt để. Thậm chí, nếu như trước đây, nói tới hoa hậu, người đẹp là nói tới biểu tượng có ý nghĩa tổng hòa vẻ đẹp của nhan sắc, trí tuệ và tâm hồn thì giờ đây, do “lạm phát hoa hậu”, biểu tượng như đã bị mất đi giá trị đích thực của nó. Bởi sai phạm xảy ra liên tiếp trong biểu diễn nghệ thuật chủ yếu do lỗ hổng quản lý. Nhiều trường hợp cố tình vi phạm, qua mặt cơ quan chức năng, chấp nhận nộp phạt vì lợi nhuận. Thậm chí với những danh hiệu giành được sẽ mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ, nếu biết lạm dụng “chiêu trò”. Thế nhưng, dù có muốn thắt chặt công tác quản lý, cấp phép thì với đơn vị đang trực tiếp quản lý các cuộc thi hoa hậu, người đẹp là Cục NTBD (Bộ VHTTDL) câu trả lời là vẫn trong lộ trình xây dựng.
Trả lời báo chí về vấn đề này, NSND Nguyễn Quang Vinh - quyền Cục trưởng Cục NTBD thừa nhận, với chức trách của đơn vị chuyên ngành cấp Bộ, Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL nhắc nhở địa phương rà soát, tăng cường trách nhiệm trong quá trình cấp phép các chương trình. Hiện nay lỗ hổng việc cấp phép các cuộc thi hoa hậu, người đẹp do quá trình kiểm tra, giám sát. Quy định cấp phép và kiểm soát tại một địa phương đang được ban soạn thảo dự thảo Nghị định mới tính tới. Theo đó chương trình diễn ra ở đâu phải làm việc và xin phép địa phương đó. “Chúng tôi đề xuất tăng cường hậu kiểm. Trong quá trình soạn thảo Nghị định, ban soạn thảo đưa phương án tăng quyền kiểm soát của địa phương, tránh việc tỉnh này cấp phép, tỉnh kia tiếp nhận. Trong đó, chương trình diễn ra ở đâu phải làm việc và xin phép địa phương đó” - NSND Nguyễn Quang Vinh nói.
Theo lộ trình, dự kiến giữa tháng 9/2019, Cục NTBD sẽ đăng tải dự thảo công khai lấy ý kiến nhân dân. Ngoài ra, Cục NTBD cũng sẽ tổ chức hai cuộc hội thảo lấy ý kiến các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia ở hai miền, sau đó trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ quyết định trước khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, theo lộ trình dài hơn liệu còn bao nhiêu cuộc thi người đẹp nữa sẽ “lách luật” khi thực tế các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam như đang có hướng bùng nổ? Chỉ cần có tài trợ, có giấy phép, có một công ty truyền thông đứng ra lo tổ chức thì nơi nào cũng có thể cho “ra lò” một cuộc thi người đẹp và vô số những danh xưng. Chưa kể, cái gọi là thi nhan sắc giờ trở nên bão hòa khi các cuộc thi phần lớn có cấu trúc nội dung trùng lặp, đơn điệu, thiếu bản sắc riêng, thậm chí đến thí sinh cũng trùng do chạy show quá nhiều cuộc thi với quyết tâm đoạt bằng được một giải nào đó. Do sự dễ dãi này dẫn đến tình trạng khán giả nhàm chán, quay lưng với các cuộc thi sắc đẹp... Tất cả để rồi khi yếu tố lợi nhuận lên ngôi thì các tiêu chuẩn về tài năng, trí tuệ của người tham dự cũng ít được chú trọng như là các yếu tố hàng đầu.