Gỡ nút thắt từ sự chồng chéo
Ngày 5/8, Chính phủ đã tiến hành phiên họp chuyên đề thứ 2 trong năm về xây dựng pháp luật. Có tới 10 đạo luật được đưa ra để lấy ý kiến tại phiên họp này, tuy nhiên riêng việc thảo luận về tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các luật đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thành viên tham dự phiên họp. Vì sao thực trạng chồng chéo, xung đột giữa các luật lại có sức hút như vậy là bởi đây là vấn đề lớn đang cản trở sự phát triển và gây khó cho doanh nghiệp (DN).
Sự mâu thuẫn, xung đột giữa các luật không phải là điều mới được phát hiện. Trong các cuộc họp, trên các diễn đàn, các DN cả nội và ngoại đã nhiều lần đề cập, than phiền đến sự chồng chéo, xung đột này. Mới gần đây nhất là tuần trước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có báo cáo nhanh gửi Thủ tướng về 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu. Điển hình là xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai. Rồi giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư xung đột về thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, địa điểm xây dựng; giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường xung đột về thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Bất cập như vậy, chúng ta đã có giải pháp gì để tháo gỡ hay chưa? Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thực sự thông thoáng. “Thủ phạm” cản trở DN, khiến môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng trước mọi nỗ lực cải cách chính là sự chồng chéo này. Chính các xung đột, chồng chéo này đã hạn chế các tác động tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo ra cản trở trong quá trình thực thi trên thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các DN và nhà đầu tư.
Vậy, căn nguyên của sự chồng chéo này bắt nguồn từ đâu? Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão cho rằng, sở dĩ có sự chồng chéo của những văn bản, thông tư, nghị định là bởi nó được thực hiện bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau từ Trung ương đến địa phương. Chính vì vậy, nút thắt của những vướng mắc này chủ yếu do sự phối hợp chưa chặt chẽ, thậm chí có tình trạng thiếu hợp tác trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật. Đó là chưa kể có tình trạng khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật lại được xây dựng theo hướng thuận lợi cho cơ quan quản lý, chứ không đặt mục tiêu vì người dân và doanh nghiệp. Do vậy, để khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan xây dựng, soạn thảo, thẩm định ban hành cho đến cơ quan kiểm tra, giám sát, rà soát văn bản. Khi trình dự án luật, thì trình luôn cả dự thảo nghị định, thậm chí thông tư. Có như vậy các văn bản luật và dưới luật mới có sự thống nhất cao, không xảy ra tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo.
Cũng có thể nói, sự chồng chéo trong các đạo luật một phần bắt nguồn từ xu hướng cát cứ quyền lực của các bộ, ngành. Tâm lý thêm quy định này, quy định kia để tăng quyền quản lý cho bộ, ngành mình mà không để tâm đến (hoặc bất chấp) sự xung đột với các quy định khác đã và đang diễn ra khá phổ biến.
Vậy làm gì để “thanh toán” căn bệnh chồng chéo, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cần có giải pháp căn cơ. Cụ thể, với những luật đã ban hành cần tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện về thực trạng xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể để sửa đổi trong các kỳ họp tới của Quốc hội. Thậm chí, nếu cần, hình thức một luật sửa nhiều luật có thể được áp dụng. Còn với những đạo luật ban hành trong tương lai, để không rơi vào vết xe đổ này, thì cần tiến hành nghiêm túc và thực chất các khâu tham vấn, phản biện xã hội độc lập đối với dự thảo văn bản luật. Về phía Quốc hội, cần làm tốt khâu pháp điển hóa (hệ thống hóa các văn bản đã có sẵn) và rà soát một cách chặt chẽ hệ thống pháp luật hiện hành, các ủy ban của Quốc hội có thể phát hiện rất nhiều vấn đề chính sách vốn đã có quy phạm điều chỉnh trong các văn bản hiện hành chứ hoàn toàn không cần ra luật riêng thì sẽ bớt được sự trùng lặp, chồng chéo không đáng có.
Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trong đó, Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. “Việc xây dựng pháp luật cần phải tạo điều kiện thông thoáng cho phát triển đầu tư kinh doanh. Phải thống nhất giữa các luật, không để chồng chéo luật này với luật khác. Đặc biệt phải phân cấp phân quyền rõ ràng nếu không sẽ rất khó để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”- Thủ tướng nhấn mạnh.