Bổ sung biên chế, xét đặc cách giáo viên hợp đồng
Bộ Nội vụ cho biết, tính đến 30/9/2018 toàn quốc có 84.108 giáo viên hợp đồng chuyên môn. Để khắc phục tình trạng giáo viên hợp đồng nêu trên, giải pháp được đưa ra là bổ sung biên chế đối với các địa phương có dân số cơ học tăng. Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng đã đồng ý cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước- là những giáo viên có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Đối với các giáo viên hợp đồng tại Hà Nội, Bộ Nội vụ khẳng định, việc quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển “thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP Hà Nội”.
Hà Nội sẽ xét tuyển đối với 800 giáo viên hợp đồng
Câu chuyện rất nhiều giáo viên hợp đồng trên địa bàn TP Hà Nội có nguy cơ mất việc xuất phát từ việc UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1076/QĐ-UBND về phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của TP vào ngày 7/3/2019. Quyết định trên được ban hành là để thực hiện Nghị định 161/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nếu áp theo Nghị định 161 thì các giáo viên hợp đồng sẽ phải thi tuyển qua 2 vòng (vòng 1 thi trắc nghiệm 2 môn ngoại ngữ và môn kiến thức chung; vòng 2 thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành). Sợ thi không đậu, nhất là với giáo viên hợp đồng lâu năm phải thi ngoại ngữ bắt buộc cho nên hàng trăm giáo viên hợp đồng của các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây... đã kéo lên trụ sở Ban Tiếp công dân TP Hà Nội kêu cứu vì lo mất việc.
Theo Bộ Nội vụ, câu chuyện giáo viên làm nhiều năm mà vẫn là hợp đồng không chỉ có ở Hà Nội. Cụ thể, số giáo viên hợp đồng chuyên môn đến ngày 30/9/2018 trên phạm vi toàn quốc là 84.108 người. Để khắc phục tình trạng này Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.
Cụ thể, đối với các giáo viên hợp đồng tại Hà Nội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định của Luật Viên chức và các Nghị định liên quan, thì việc quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển “thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP Hà Nội”. Để tháo gỡ bất cập hiện nay trong công tác tuyển dụng giáo viên của TP Hà Nội, nhất là đối với giáo viên đang dạy hợp đồng, Bộ Nội vụ đã phối hợp, trao đổi với Hà Nội về vấn đề tuyển dụng viên chức giáo viên. Theo đó, Bộ Nội vụ đã đề nghị tổ chức rà soát thống kê số lượng nhà giáo hiện đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn để xem xét, quyết định việc tuyển dụng (qua thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc tuyển dụng đặc biệt) đối với viên chức ngành giáo dục năm 2019 phù hợp, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.
Để giải tỏa những băn khoăn của giáo viên hợp đồng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa cho biết, hiện Sở đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện rà soát để đảm bảo tuyển dụng đúng quy định của pháp luật. Qua rà soát, hiện có khoảng 2.923 giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, số hợp đồng trên 5 năm khoảng gần 800 người. “Theo đó, TP quyết định sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm với một số điều kiện cụ thể như: là giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây; có kiểm tra đảm bảo sức khỏe; có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng” - ông Hoa nói.
Bổ sung biên chế giáo viên cho các tỉnh tăng dân số cơ học
Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ, trình Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Theo đó, tại Công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đồng ý cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách không qua thi đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Quy trình xét đặc cách thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý viên chức. Sau khi xét đặc cách, số giáo viên đang hợp đồng lao động nếu còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện thi tuyển, xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi đã tuyển đủ số chỉ tiêu biên chế được giao mà vẫn dôi dư thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
Để bảo đảm sự công khai, minh bạch, công bằng và thực hiện đúng quy định của pháp luật trong công tác tuyển dụng viên chức, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện nghiêm túc và đúng quy định của Luật Viên chức, Nghị định số 29 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 161 của Chính phủ. Bộ Nội vụ nhấn mạnh yêu cầu, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyển dụng hàng năm trên cơ sở chỉ tiêu số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền phân bổ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện. Qua đó, kịp thời bổ sung viên chức vào làm việc trong cơ quan, đơn vị mình theo nhu cầu.
Theo bà Đào Thị Hồng Minh- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Biên chế (Bộ Nội vụ), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và theo đề nghị của Bộ GDĐT, các địa phương, Bộ Nội vụ đã giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non đối với 14 tỉnh tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên (với tổng số 20.300 biên chế giáo viên mầm non).
Không tổ chức thi tuyển với các giáo viên hợp đồng, liệu sự ưu tiên này có tạo cơ hội cho người yếu kém vào biên chế nhà nước hay không? Ông Vũ Đăng Minh cho rằng, tuyển dụng không qua thi người ta phải tổ chức sát hạch, tất nhiên phải đạt chuẩn mới tuyển, tuyển phải đảm bảo chất lượng chứ không phải bất kể ai cũng cho vào. Chất lượng yếu thì không được tuyển, không phải tuyển dụng kiểu “tháo cống”, không thi nhưng phải đủ tiêu chuẩn, đạt các điều kiện nhất định.