Văn hóa Việt của dân tộc Việt

Hoàng Minh 07/08/2019 07:57

Nhằm khẳng định lịch sử thời đại Hùng Vương là có thật đã tồn tại và phát triển hàng ngàn năm lịch sử trên mảnh đất Việt Nam, ngày 6/8, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Thăng Long”.

Văn hóa Việt của dân tộc Việt

Quang cảnh Hội thảo.

Giá trị trường tồn

Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có hơn 500 di tích thời Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đây là một kho tàng văn hóa, di chỉ, tư liệu, thư tịch phong phú cho công tác nghiên cứu về thời đại Hùng Vương. Qua đó, khẳng định lịch sử thời đại Hùng Vương là có thật. Với một đất nước, một phương thức sản xuất, tổ chức xã hội, một nền văn hóa phong tục tập quán, tiếng nói ngôn ngữ đặc sắc của dân tộc Việt đã tồn tại và phát triển hàng ngàn năm lịch sử trên mảnh đất Việt Nam. Đặc biệt đây là một quá trình phát triển lịch sử liên tục, không bị đứt gãy, một nền văn hóa không bị mai một, mất gốc.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Tống Trung Tín-Viện Khảo cổ học cũng đã đưa ra những dẫn chứng từ việc nghiên cứu các di tích Văn hóa Đông Sơn ở Hà Nội. Ông Tín cho rằng, Hà Nội trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển thời các vua Hùng, vua Thục. Trước tiên, về mặt địa lý, ta thấy tính chất là trung tâm của Hà Nội ở đồng bằng Bắc Bộ, vào thời điểm này, cảnh quan, địa mạo và địa hình đã thể hiện rõ nét hơn. Các con sông đã ổn định dòng chảy và đôi bờ các con sông lớn như sông Hồng, sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ… đã đầy ắp phù sa. Bên cạnh đó, ở thời kỳ văn hóa Đông Sơn, nông nghiệp đã đi vào thâm canh và là nguồn cung cấp lương thực chủ yếu của xã hội. Miền đất Hà Nội thời kỳ này về cơ bản đã được định hình gần như ngày nay. Đó là miền đất rộng rãi, phì nhiêu bậc nhất của châu thổ sông Hồng, thuận lợi cho việc phát triển cây lúa nước. Bởi thể, với sự phát triển và là trung tâm lớn nhất của văn hóa Đông Sơn, kinh tế nông nghiệp Hà Nội phát triển mạnh mẽ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ-Viện Sử học cũng cho rằng nhiều di tích khảo cổ trên đất Hà Nội đã khẳng định sự hiện diện của con người trải dài liên tục từ văn hóa Sơn Vi, qua hậu kỳ Đá cũ sang Đá mới và đến thời đại Kim khí. Thời đại Kim khí mở đầu bằng văn hóa Phùng Nguyên, qua Đồng Đậu - Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn với sự ra đời của Nhà nước đầu tiên - Nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Nội ngày nay, có rất nhiều làng xã có các nhân vật lịch sử (hoặc nửa thần thoại, nửa lịch sử) thời Hùng Vương. Điều đó chứng tỏ sức sống bền vững của những giá trị linh thiêng luôn lung linh, tỏa sáng trong tâm thức người dân đất Kinh kỳ Thăng Long, Hà Nội.

Theo số liệu thống kê thì trên địa bàn Hà Nội ngày nay có 586 di tích đình, đền, miếu… trong đó có 137 di tích thờ phụng các vị thần thời Hùng Vương, chiếm tỷ lệ 23,3%.

Bảo tồn đúng cách

Cũng tại Hội thảo, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong nghiên cứu về văn hóa Hùng Vương, nhiều đại biểu cũng cho rằng đến nay chưa có nhiều nhà nghiên cứu về phong tục tập quán, văn thơ, ca dao, dân ca, nếp sống, ăn, mặc… của vùng dân cư vùng Đồng bằng sông Hồng thời Hùng Vương. Trong đó Hà Nội, Hà Tây (cũ) là cội nguồn của văn hóa dân gian vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Ở đó, công tác nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, sử học cần quan tâm và tập trung nghiên cứu văn hóa dân gian, văn hóa làng xã.

Ths. Bùi Văn Huỳnh-Viện Sử học cho rằng, di tích lịch sử - văn hóa phản ánh thời đại Hùng Vương - An Dương Vương là một phần quan trọng trong di sản Thăng Long - Hà Nội. Bởi vậy, việc bảo vệ, bảo tồn và tôn tạo các di tích này một cách hợp lý, khoa học là việc làm cần thiết để giữ gìn và phát huy giá trị to lớn của các di sản này, lưu truyền cho các thế hệ sau. Công việc quan trọng này không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, mà nó còn là trách nhiệm chung của mỗi người dân đang sinh sống, công tác, làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay. Tùy theo điều kiện, chức năng, nhiệm vụ và tinh thần của mỗi người đều có thể làm những công việc để góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Hùng Vương - An Dương Vương trên mảnh đất Thủ đô.

Nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cũng cho rằng, để làm được việc này cần phải bảo tồn và tôn tạo đúng cách, tránh đưa các linh vật ngoại lai vào các di tích của người Việt. Tôn trọng các công trình kiến trúc cũ phản ánh lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc, sử dụng các nguyên vật liệu phù hợp trong tôn tạo và tu bổ, tránh hiện đại hóa các di tích. Bên cạnh đó, việc phục chế các hiện vật, tư liệu lịch sử cần đúng cách, đặc biệt trong nguyên bản. Khi phục chế các hiện vật khảo cổ, các bảng thành tích, sắc phong bằng chữ Hán cần tôn trọng nguyên bản và có ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn, có trách nhiệm. Tránh việc tự phục chế, sao chép, chỉnh sửa theo ý chủ quan làm sai lệch khiến hiện vật không truyền đạt được đúng thông điệp lịch sử, văn hóa như vốn có. Ngoài ra cũng cần nâng cao việc bảo tồn các trò chơi dân gian thuần Việt tại nhiều lễ hội như vật cầu, nấu cơm thi…

Những việc làm trên nhằm trả lại di tích, lễ hội về đúng nghĩa truyền thống vốn có góp phần bảo vệ truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục và là kênh giáo dục hiệu quả về lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ tiếp nối. Đặc biệt, việc tổ chức các tour du lịch văn hóa kết nối các di tích lịch sử đem lại nhiều hiệu quả cho việc gìn giữ, phát huy và giới thiệu văn hóa truyền thống của địa phương đến với du khách…

Hoàng Minh