Nóng với thời gian làm việc giữa khối nhà nước và ngoài nhà nước

H.Vũ 07/08/2019 07:00

Chiều 6/8, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho ý kiến về Bộ Luật lao động sửa đổi. Vấn đề mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm; chính sách tiền lương; và thời gian làm việc bình thường nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB.

Về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, vẫn còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho mở rộng ở ngành nghề lĩnh vực và tính lũy tiến làm thêm giờ từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Tuy nhiên có ý kiến nói chúng ta đang đấu tranh, phấn đấu tăng năng suất lao động, tăng lương giảm giờ làm nhưng sao lại tăng thêm giờ?

Còn về tuổi nghỉ hưu, đa số ĐBQH thống nhất như Chính phủ trình là nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi nhưng đề nghị làm rõ danh mục những ngành nghề độc hại, nguy hiểm thì có thể cho nghỉ trước 5-10 năm. Cũng theo ông Lợi, vấn đề khó nhất hiện nay là tiền lương, vì tiền lương còn liên quan đến đóng BHXH. Do đó sẽ thay đổi cơ sở xác định lương tối thiểu từ nhu cầu tối thiểu bằng mức sống tối thiểu, bổ sung quy định về căn cứ xác định điều chỉnh lương tối thiểu về giá, năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trước vấn đề mà ông Lợi đưa ra vậy có thể giảm thời gian làm việc 44 giờ/tuần đối với khối ngoài nhà nước? Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, năng suất thấp mà giảm giờ làm là vấn đề khó khăn.

Chưa đồng tình với việc tăng thêm thời gian lao động, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu cho rằng, chúng ta mới tính đến tăng thời gian làm thêm mà chưa tính đến những giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Theo ông Chu, giờ lao động không quá 300 giờ/năm như hiện nay là phù hợp và quy định cho tất cả đối tượng lao động, kể cả doanh nghiệp và khối tư nhân.

Từ thực tế lắng nghe ý kiến người lao động tại Bình Dương, ĐB Trương Thị Bích Hạnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho rằng, tăng lương cho người lao động mới là điều tiến bộ, chứ không phải tăng thêm thời gian làm thêm giờ để hưởng thêm lương.

H.Vũ