Giao dịch với đối tác nước ngoài: Cẩn thận không thừa
Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), tính đến nay VIAC đã tiếp nhận và xử lý hơn 1.500 vụ kiện, trong đó hơn 50% vụ liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa (hơn 50% hợp đồng xuất nhập khẩu). Đây là một thực tế đáng quan ngại, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài đã thiếu cẩn trọng, không thẩm tra năng lực của đối tác hoặc thiếu kinh nghiệm xem xét các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến thua thiệt lớn, nhiều vụ kiện, tranh chấp đã xảy ra...
Tìm hiểu kỹ đối tác kinh doanh trong xuất khẩu là rất quan trọng.
Việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm là một tín hiệu vui cho nền kinh tế Việt Nam, dù vậy, song song với đó cũng đi kèm nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu khi có những tranh chấp liên quan đến hợp đồng xuất nhập khẩu. Theo giới chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các DN Việt Nam cần tìm hiểu và nắm rõ các thông tin ký kết trong các hợp đồng xuất khẩu nếu không sẽ gặp nhiều bất lợi.
“Bút sa gà chết”
Thời gian qua, nhiều DN xuất khẩu đã bị mất trắng khi giao dịch thương mại với các đối tác nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các DN của chúng ta đã không cẩn trọng khi ký kết các hợp đồng với đối tác. Hồi năm 2016, nổi lên tình trạng nhiều DN ngành thủy sản khi làm ăn với một đối tác ở Canada đã bị đối tác này lừa đảo chiếm đoạt hàng loạt lô hàng thủy sản trị giá đến hàng trăm ngàn USD. Tình trạng này đã diễn ra lâu nay, song thực tế nhiều DN Việt khi xuất khẩu hàng hóa vẫn đang rất chủ quan với việc phải xem xét thật kỹ hợp đồng.
Dư luận vẫn chưa quên trường hợp một DN ở đồng bằng sông Cửu Long khi làm ăn với một đối tác bên Mỹ và có ký hợp đồng xuất khẩu dứa đông lạnh với đối tác này. Khi DN xuất khẩu hàng ra nước ngoài, đối tác đã thanh toán tiền hàng theo yêu cầu của bên bán, với chỉ định thanh toán bằng email. Tuy nhiên, sau khi xác minh thì phát hiện người thụ hưởng số tiền đó không phải là DN bán hàng tại Việt Nam mà một công ty ở nước khác. Cuối cùng DN Việt Nam phải chịu thiệt, không nhận được tiền hàng do không nắm kỹ thông tin hợp đồng. Vì theo nhận định của giới luật sư, trong trường hợp này, trong hợp đồng, DN Mỹ cung cấp không có thông tin người thụ hưởng. Điều đó có nghĩa rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng DN mua hàng khi nhận một chỉ định thanh toán của bên người bán, họ có thể chuyển tiền vào bất kỳ tài khoản nào theo yêu cầu của bên bán.
Một sự việc khác cũng liên quan đến câu chuyện DN Việt “nhắm mắt ký hợp đồng” dẫn đến DN của ta bị đối tác “bùng” số tiền trên 50 tỷ đồng. Trường hợp này là của một công ty mía đường khi ký kết hợp đồng đã không đọc kỹ thông tin, tìm hiểu kỹ đối tác. Đến khi đối tác nợ số tiền lên 50 tỷ đồng, xảy ra tranh chấp thương mại hai bên, DN Việt mới xác minh lý lịch và năng lực của DN nước bạn thì mới ngã ngửa ra là đối tác ảo, không tồn tại.
Thận trọng tìm hiểu đối tác
Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), tính đến nay VIAC đã tiếp nhận và xử lý hơn 1.500 vụ kiện, trong đó hơn 50% vụ liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa (hơn 50% hợp đồng xuất nhập khẩu). Đây là một thực tế đáng quan ngại, cho thấy, rất nhiều DN Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài đã thiếu cẩn trọng, không thẩm tra năng lực của đối tác hoặc thiếu kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến thua thiệt lớn, nhiều vụ kiện, tranh chấp đã xảy ra...
Nói về vấn đề này, ông Ngô Đức Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cho biết, Công ước Viên của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) về nguyên tắc sẽ điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa DN Việt Nam và các đối tác tại 85 quốc gia thành viên khác. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc chúng ta đang tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs) là cơ hội xuất khẩu hàng hóa lớn. Tuy nhiên đi kèm với đó là rất nhiều rủi ro thương mại khi các DN Việt không xem xét kỹ lưỡng nội dung hợp đồng trước khi đặt bút ký. “Nếu nắm vững CIGS sẽ giúp DN giải quyết được các vấn đề tranh chấp thương mại”- ông Minh lưu ý. Song theo ông Minh, hiện rất ít DN Việt Nam quan tâm, tìm hiểu và nắm vững về CISG. Cũng vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi chính là các DN Việt.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), CISG được coi như là một bệ đỡ pháp lý về mặt hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - lĩnh vực hầu như không có luật quy định. Áp dụng được CISG sẽ giúp DN tiết giảm được rất nhiều chi phí, đặc biệt là cho DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để áp dụng được, trước tiên DN phải hiểu và nắm vững công ước này.
Giới chuyên gia khuyến cáo, với các hợp đồng xuất khẩu ra các nước, DN càng nắm được nhiều thông tin của đối tác càng tốt. Chính bởi vậy, trong quá trình đàm phán, soạn thảo hợp đồng, các DN cần nắm bắt rõ thông tin pháp lý, năng lực tài chính của đối tác rồi mới đặt bút ký. Tình trạng “nhắm mắt đưa chân” như vậy sẽ dẫn đến những thiệt hại, đôi khi dẫn đến phá sản, bài học nhiều DN xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn còn chưa hết nóng.