Chuẩn nào cho trường quốc tế?

Nhóm PV 08/08/2019 01:00

Sau sự việc đau lòng xảy ra tại trường quốc tế Gateway vừa qua, nhiều câu hỏi được đặt ra: Hiện có quy định nào cho “chuẩn” trường quốc tế không, hay các trường tự gắn “mác” quốc tế? Hà Nội có bao nhiêu trường phổ thông quốc tế đang hoạt động? Việc quản lý các trường quốc tế hiện nay được thực hiện theo phương thức nào?

Chuẩn nào cho trường quốc tế?

Trường quốc tế Gateway Ảnh: afamily.vn.

Hà Nội có bao nhiêu trường quốc tế?

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một thống kê cụ thể nào về danh sách, số lượng các trường phổ thông mang “mác” quốc tế tại Hà Nội. Nhưng có một thực tế, nhiều năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận các gia đình có điều kiện muốn cho con được học trong các môi trường tốt hơn, tại các khu đô thị mới, nhiều trường phổ thông liên cấp gắn mác quốc tế đã ra đời.

Trước mùa tuyển sinh 2019, ngay trên trang web của Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gate way cũng đã giới thiệu về sự ưu việt của các trường phổ thông liên cấp quốc tế: Chọn trường quốc tế cho con đã trở thành một xu thế phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Hiện tại đã là thời điểm cuối cùng của mùa tuyển sinh, hầu hết các trường đã chốt danh sách nhưng nhiều phụ huynh vẫn đang loay hoay và chật vật trong hành trình chọn trường quốc tế cho con, người thì lần đầu thiếu kinh nghiệm, người thì chưa tìm được trường quốc tế mới sau khi con đã nhảy học qua vài ba trường. Nếu bố mẹ đang trong tình trạng này thì hãy xem ngay danh sách các trường quốc tế tại Hà Nội đang được nhiều phụ huynh đánh giá cao. Theo đó, trang web của trường này đã liệt kê/giới thiệu danh sách 5 trường quốc tế “hot” nhất tại Hà Nội gồm: Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway; Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm GreenField (Doan Thi Diem GreenField School); Trường Quốc tế Singapore (Singapore International School - SIS); Trường Phổ thông liên cấp Olympia (The Olympia Schools); Trường Pphổ thông song ngữ liên cấp Wellspring Hà Nội (Wellspring International Bilingual School).

Có một điểm chung ở những trường phổ thông liên cấp quốc tế hiện nay, học phí không hề rẻ với những gia đình có mức thu nhập trung bình. Vì lẽ đó, lâu nay những trường gắn mác quốc tế cũng chỉ để dành cho con nhà giàu. Ghi nhận cho thấy, nhiều trường học ở Hà Nội có mức học phí “khủng” với mức lên đến trên 500 triệu một năm, có khoảng 12 trường phổ thông liên cấp quốc tế tại Hà Nội hiện có mức học phí hơn 100 triệu đồng/năm. Đơn cử như ở Trường Quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội (UNIS) - được thành lập bởi Liên hợp quốc và Chính phủ Việt Nam nên nhà trường ưu tiên những học sinh có người thân làm việc cho Liên hợp quốc, làm việc trong ngành ngoại giao và các gia đình người nước ngoài. Đây là trường nổi tiếng với mức học phí cao nhất Hà Nội, trong đó học phí lớp 1 là 24.340 USD (gần 563,5 triệu đồng). Ngoài ra, phụ huynh phải nộp thêm một số loại, như: Phí nhập học, phí đặt cọc, phí xe bus đưa đón, ăn trưa, đi thực tế..., tùy theo cấp học và nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Hay như Trường TH School, với học sinh lớp 1 theo học tại đây năm học 2018-2019 cả năm là 387 triệu đồng và đóng theo từng kỳ (3 kỳ) là 430 triệu đồng; Trường Phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway hiện đang tuyển sinh từ lớp 1 đến lớp 9 với mức học phí tiểu học từ 117,7 triệu/năm.

Danh xưng tự phong?

Trong cuộc họp báo trưa 7/8 tại UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội), liên quan đến một học sinh lớp 1 vừa tử vong tại Trường Quốc tế Gateway, nhiều câu hỏi cũng xoay quanh mối quan tâm, hiện Hà Nội có bao nhiêu trường được coi là chuẩn “quốc tế”?

Tại đây, ông Phạm Ngọc Anh- Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy nhấn mạnh, không có khái niệm “trường quốc tế” tại Việt Nam. Chữ “quốc tế” là do một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh. Điều này đồng nghĩa với việc, Trường Quốc tế Gateway không phải “trường quốc tế” như đã quảng cáo, mà đây chỉ là “chiêu” thu hút học sinh của các trường.

Một điều đáng lưu ý và vào cuối tháng 4/2019, Sở GDĐT Hà Nội đã công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du học được cấp phép. Theo đó trên địa bàn thành phố hiện nay có 545 Trung tâm tư vấn du học, 855 Trung tâm ngoại ngữ, tin học. Theo khuyến cáo của Sở, người học có thể truy cập vào địa chỉ www.hanoi.edu.vn để tìm hiểu về các trung tâm đang hoạt động, tên giám đốc trung tâm, số điện thoại liên hệ, ngày được cấp phép và thời hạn của giấy phép hoạt động.

Vào đầu tháng 7/2019 Sở GDĐT Hà Nội tiếp tục công bố danh sách 2.668 nhóm trẻ, mẫu giáo tư thục được cấp phép. Trong đó, quận Hoàng Mai có số nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được cấp phép thành lập nhiều nhất, với 410 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Việc công khai danh sách các cơ sở đào tạo nói trên vừa tạo thuận lợi cho phụ huynh quan tâm tìm hiểu trước khi tìm nơi học cho con em mình; vừa là kênh thông tin để các cấp quản lý, chính quyền địa phương cập nhật đầy đủ, chính xác về tình hình hoạt động của các đơn vị đào tạo.

Giá như danh sách các cơ sở đào tạo phổ thông tư thục/quốc tế liên cấp cũng được Sở GDĐT đăng công khai và cập nhật trên trang web của Sở thường xuyên thì thông tin hoạt động của những trường ngoài công lập sẽ được minh bạch hơn. Phần nữa, cũng giúp cho phụ huynh nắm bắt rõ hơn những trường con em xin học có thực sự được cấp phép đạt “chuẩn” quốc tế như quảng cáo hay không.

Chuẩn nào cho trường quốc tế? - 1

Một cuộc họp phụ huynh tại trường quốc tế Gateway.

Quy trình đưa đón lỏng lẻo

Từ vụ việc của học sinh Trường Gateway bị bỏ quên dẫn đến tử vong trên xe đưa đón, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội khẳng định, qua hệ thống quản lý của Sở GTVT cho thấy, chiếc xe đưa đón học sinh của Trường Quốc tế Gateway trong vụ việc cháu bé 6 tuổi tử vong chưa được cấp phù hiệu chở khách hợp đồng theo quy định.

Theo quy định hiện hành, xe chở học sinh của các trường học đều thuộc diện xe hợp đồng chở khách theo Nghị định 86/CP. Cụ thể, với xe hợp đồng chở khách có tải trọng thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị/chủ xe kinh doanh phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, số lượng khách, điểm đưa đón, trả khách. Đặc biệt, xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình để các cơ quan chức năng có thể nắm lộ trình xe.

Theo số liệu thống kê được Sở GDĐT gửi sang Sở GTVT Hà Nội, năm học 2019-2020, trên địa bàn Hà Nội có 17 trường có xe đưa đón học sinh, với tổng số xe đưa đón là 629 xe. Trong đó, loại xe 16 chỗ chiếm số lượng lớn nhất với 345 xe. Đáng chú ý, trong danh sách 17 trường đã nêu không có Trường Gateway. Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, hàng năm Sở GTVT đều có văn bản gửi Sở GDĐT Hà Nội đề nghị phối hợp, cung cấp danh sách các trường học có ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải đưa đón học sinh, song số lượng thống kê gửi về Sở GTVT Hà Nội thường không đầy đủ.

Ông Phạm Ngọc Anh cho biết, trong văn bản hàng năm, Phòng GDĐT quận gửi các trường đều có quy định rõ ràng về quy trình giao - nhận học sinh. Tuy nhiên, khi áp dụng văn bản từng trường tùy theo đặc điểm của mình lại có sự bố trí khác nhau cho phù hợp.

Sau vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra tại Trường liên cấp quốc tế Gateway, ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) nhận định, hiện nay, dịch vụ đưa đón học sinh diễn ra khá phổ biến tại các tỉnh, không chỉ ở thành phố mà tại các tỉnh, nhiều phụ huynh cũng tham gia vì điều kiện đường xa, không có nhân lực đưa đón. Tuy nhiên, việc này cũng tồn tại nhiều bất cập như: Chất lượng xe không đảm bảo; ý thức lái xe không cao; hiểu biết pháp luật giao thông, các biện pháp bảo đảm an toàn không có hoặc thiếu...

Từ những vụ việc gần đây liên quan đến các trường quốc tế khiến (mới nhất là vụ phụ huynh phản ánh về việc một trường liên cấp tại Bắc Từ Liêm- Hà Nội để con em họ ăn trưa dưới tầng hầm), thì vấn đề đặt ra là cần sớm có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để thanh tra, giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong đó có cả những trường mang thương hiệu quốc tế.

Nhóm PV