Chuyển biến căn bản về dạy làm người
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ băn khoăn và lưu ý ngành Giáo dục về tình trạng dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết. Từ đó, Thủ tướng nêu rõ, năm học 2019-2020 phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên.
Nhà trường phải hết sức chú trọng việc rèn người.
Thủ tướng nhấn mạnh, muốn chuyển biến của đất nước, phát triển của ngành và địa phương một cách bền vững thì giáo dục đào tạo mang yếu tố là quốc sách hàng đầu. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới việc các địa phương phải chăm lo tốt hơn cho giáo dục, trong đó nổi lên là quỹ đất để xây dựng trường, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất khắc phục cảnh công nhân đi làm đã vất vả lại phải gửi con rất xa, thậm chí không cho con đến trường mẫu giáo được. “Anh có miếng đất nào đẹp bán hết để xây nhà tầng là không được đâu, cần lo cho thiết chế này”- Thủ tướng nói. Ghi nhận những thành tựu ngành Giáo dục đạt được, nhưng Thủ tướng cũng rất trăn trở về tình trạng giáo dục đạo đức lối sống chưa đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực thành còn hạn chế. “Người ta nói rằng anh dạy kiến thức cơ bản được quốc tế đánh giá tốt, nhưng dạy đạo đức, dạy làm người còn bất cập, chưa dành thời gian, giáo trình, chương trình, thời lượng cần thiết”- nhận xét đó của Thủ tướng cũng chính là trăn trở của toàn xã hội thời gian qua khi mà một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên phạm phải những hành vi xấu. Bên cạnh đó, bản thân một số nhà giáo cũng không phải là tấm gương để người học noi theo.
Nói điều đó để thấy, cùng với việc nâng cao chất lượng truyền đạt - tiếp thu kiến thức, thì nhà trường phải hết sức chú trọng việc rèn người, phải thực sự cầu thị soi lại mình xem việc giáo dục đạo đức trong nhà trường đã làm nghiêm túc chưa, hay chỉ làm qua loa theo kiểu “lồng ghép” vào một số môn học được chăng hay chớ.
Trách nhiệm giảng dạy đạo đức trong nhà trường không ai khác chính là các nhà giáo. Dạy học là nghề đặc biệt, không thể tới giờ thì lên lớp, hết giờ thì về theo kiểu làm công ăn lương. Dạy kiến thức là cần thiết nhưng trước hết là phải dạy người- đó mới là những nhà giáo chân chính. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì các trường đại học sư phạm phải đào tạo sinh viên ra trường trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là những thợ dạy. Đòi hỏi các “máy cái” này phải tốt thì mới có “máy con” tốt, là khơi nguồn đầu tiên cho sự phát triển giáo dục, đào tạo. Dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng nhấn mạnh: Trường sư phạm phải mô phạm.
Hệ thống trường sư phạm của đất nước đã qua nhiều lần cải tiến, theo hướng tập trung nâng cao chứ không phải là dàn trải theo số lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng đào tạo trong các trường sư phạm- có nghĩa là chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, còn nhiều việc phải bàn. Trước hết, đó là đầu vào của các trường sư phạm. Liệu nơi đây có phải là của những người yêu nghề dạy học hay không? Chưa hẳn, mà trong số đó có nhiều người thi không đỗ vào các đại học “danh giá, dễ xin việc, bổng lộc nhiều”, nên đành vào sư phạm. Cái câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn còn đó như một nỗi buồn.
Giáo dục đã được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu thì không thể không đầu tư mạnh cho hệ thống các trường sư phạm. Vì đó sẽ là khởi đầu của một nền giáo dục đào tạo những thế hệ công dân mới cho đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành rất nhiều tình cảm cho ngành Giáo dục, Người từng nói: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Người khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói đến kinh tế, văn hóa”. Người không quên căn dặn: “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu nhất là đối với trẻ em”...
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục cũng chính là sự kế thừa truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Trường học và những người làm nghề dạy học bao giờ cũng được kính trọng. Và cũng chính vì niềm tin và sự kỳ vọng đó của xã hội mà ngành Giáo dục, mỗi người làm nghề dạy học cần ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình.
Nhân đây cũng xin nói một chút về vụ cháu bé lớp 1 bị bỏ quên trong xe ô tô đưa đón học sinh mà phải chết tức tưởi. Rồi đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân, ai vi phạm đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm đến đó. Nhưng nếu nhà trường không vận hành lạnh lùng như cái máy, trên xe chỉ có hơn mười cháu nhiều nhặn gì mà không kiểm tra xem đã đủ các cháu chưa, để đến nỗi thật xót xa khi một cuộc đời đã bị mất đi ngay từ khi mới bước chân đến trường...