Tìm giải pháp ổn định đời sống người dân tái định cư thủy điện ở Quảng Nam
Sáng 9/8, tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện và ổn định đời sống, sản xuất cho người dân tái định cư (TĐC) thủy điện. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã báo cáo về phát triển kinh tế lòng hồ thủy điện và ổn định đời sống, sản xuất cho người dân TĐC các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 25/46 dự án thủy điện theo hoạch; về 10 dự án thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn đã xây dựng, đang vận hành 9 dự án; về 36 dự án thủy điện vừa và nhỏ đã xây dựng, vận hành 13 dự án thủy điện và 2 dự án thủy điện đang xây dựng, còn lại 21 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Ngoài ra, người dân sống ven lòng hồ, trong đó có người dân TĐC các dự án thủy điện đã khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng/bè.
Hiện nay, có 23 hộ dân đang thả nuôi cá lồng thương phẩm ở lòng hồ thủy điện, với tổng số 240 lồng nuôi, thể tích mỗi lồng khoảng 75 m3.
Bên cạnh đó, vùng lòng hồ thủy điện có thể khai thác phát triển du lịch tập trung chủ yếu tại khu vực miền núi gồm: thủy điện sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My), thủy điện A Vương (Đông Giang), thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang);…
Đây cũng là tiềm năng và lợi thế để phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, bản sắc văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ tu, Cadong, Xê đăng, Bhnoong;…
Một thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
“Ở các dự án thủy điện có thực hiện quy hoạch di dân, tái định cư và dự án di dân, TĐC (gồm các dự án thủy điện như: Sông Tranh 2, Sông Bung 4, A Vương;…), tổng số hộ bị ảnh hưởng 3.163 hộ, tổng số hộ phải di dời theo quy hoạch là 1.749 hộ, 8.450 khẩu. Còn tổng diện tích đất đã thu hồi (cả nơi đi và nơi đến) là 8.062,7 ha, trong đó: đất nông nghiệp là 6.629,7 ha; đất phi nông nghiệp là 1.250,5 ha; đất chưa sử dụng là 182,5ha”, ông Lê Minh Hưng nói.
Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang phát biểu cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã đến khảo sát để triển khai các dự án phát triển du lịch lòng hồ thủy điện tuy nhiên mực nước trong hồ thường xuyên thay đổi lớn, khung pháp lý để căn cứ kêu gọi đầu tư không rõ ràng là những lý do khiến địa phương chưa khai thác được tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị và đưa ra một số giải pháp như: Tiếp tục hỗ trợ và ưu tiên cho người dân vùng lân cận hồ, dân TĐC thủy điện ứng dựng phát triển các mô hình nuôi cá lồng bè; Đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo các mô hình sản xuất liên kết các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị để đầu ra ổn định bền vững;…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, các hồ thủy điện chiếm một diện tích rất lớn ở khu vưc miền núi của tỉnh Quảng Nam và đang được các doanh nghiệp du lịch khảo sát để đầu tư. Việc khai thác hài hòa, hiệu quả lòng hồ thủy điện sẽ góp phần mở ra không gian sinh kế bền vững, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc khai thác lòng hồ cần phải đảm bảo an toàn hồ đập và có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai các dự án về nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch.