Trung Quốc có thể dùng đất hiếm trong chiến tranh thương mại với Mỹ

Khánh Duy 10/08/2019 05:44

Hiệp hội các nhà sản xuất đất hiếm của Trung Quốc mới đây lên tiếng cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ chỉ gây tổn hại tới doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, cùng lúc khẳng định rằng họ sẵn sàng sử dụng đất hiếm như một thứ vũ khí trong thương chiến.

Trung Quốc có thể dùng đất hiếm trong chiến tranh thương mại với Mỹ

Khai thác đất hiếm tại một mỏ ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: RT).

Đất hiếm... càng hiếm

Hiệp hội Công nghiệp đất hiếm Trung Quốc (ACREI) - bao gồm gần 300 công ty khai thác, chế biến và sản xuất đất hiếm - đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt trong hôm đầu tuần này, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế lượng hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, Hiệp hội này đã gọi chính sách đánh thuế mà Washington đang theo đuổi là “bắt nạt trong thương mại” nhằm mục đích kìm hãm đà phát triển của Trung Quốc. “Chúng tôi thể hiện quan điểm phản đối với chính sách này” - Hiệp hội trên nói trong một tuyên bố, thêm rằng các công ty đất hiếm của Trung Quốc cần phải tích cực mở rộng cả thị trường trong và ngoài nước.

Dù cho ACREI nhấn mạnh rằng sẽ không có bên chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, họ vẫn cảnh báo rằng chính người dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ trở thành nạn nhân trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Tổn thất từ các đòn áp thuế mà Mỹ tung ra sẽ chỉ gây hại cho thị trường và người tiêu dùng Mỹ” - tuyên bố cho hay.

Bình luận mà ACREI đưa ra càng khiến giới quan sát tin vào tuyên bố mà Bắc Kinh từng đưa ra trước đó, rằng họ sẽ sớm áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Nỗi quan ngại này xuất hiện sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm một cơ sở sản xuất đất hiếm ở tỉnh Giang Tây hồi tháng 5 vừa qua, trong khi giới truyền thông nước này khẳng định rằng Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng cấm xuất khẩu đất hiếm.

Động thái trên nếu xảy ra sẽ là đòn giáng mạnh đối với Mỹ - quốc gia vốn dựa dẫm vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc để sản xuất các thiết bị công nghệ cao và chế tạo vũ khí. Trong nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung ứng đất hiếm, Lầu Năm Góc hồi tháng trước đã yêu cầu các công ty khai khoáng Mỹ báo cáo về sản lượng đất hiếm của họ và tuân thủ các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp đất hiếm trong nước.

Đất hiếm là nguyên liệu cực kỳ quan trọng trong ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng để chế tạo từ những chiếc smartphone cho tới những phi cơ chiến đấu hiện đại.

Trung Quốc hiện là nhà cung ứng trên 80% tổng lượng đất hiếm của toàn thế giới, nhưng gần đây lượng đất hiếm xuất khẩu của họ đã bắt đầu giảm. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc xuất khẩu 3.966 tấn đất hiếm, giảm tới 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công cụ tiền tệ

Ngoài đất hiếm, Trung Quốc hiện nay cũng bắt đầu ra tín hiệu sử dụng đồng tiền trong nước như một thứ vũ khí để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh đã hạ giá đồng NDT sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối với gần như tất cả lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mỹ còn gán danh “nước thao túng tiền tệ” cho Trung Quốc, càng khiến căng thẳng gia tăng.

Trung Quốc từng tuyên bố họ luôn sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết. Và họ sẵn có một thứ vũ khí mạnh mẽ ngay dưới tay áo: Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ. Trên lý thuyết, Bắc Kinh có thể gây ra tình trạng hoảng loạn trên các thị trường trái phiếu bằng cách bán tháo một số trong 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ.

Một khi Trung Quốc bán tháo lượng trái phiếu này, giá của nó sẽ sụp đổ, khiến cho tỷ lệ lãi suất tăng mạnh và chi phí vay mượn ở Mỹ tăng đột biến. Nhưng có nhiều lý do để Trung Quốc không sử dụng đến thứ vũ khí này. Đầu tiên, nó không mang lại hiệu quả như họ mong muốn. Thứ hai, hành động này có thể gây ra tác động ngược lên nền kinh tế của họ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu Trung Quốc thực sự muốn tung đòn chí mạng với Mỹ, họ có thể hạ giá trái phiếu kho bạc Mỹ bằng cách bán tháo chúng ra thị trường. Hành động này sẽ khiến tỷ lệ lãi suất tăng. Và do tỷ lệ lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ được xem như thước đo lòng tin người tiêu dùng và doanh nghiệp; các khoản nợ doanh nghiệp, các khoản vay thế chấp sẽ tăng, hãm phanh đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ, đồng USD cũng sẽ chịu ảnh hưởng.

Khánh Duy