Chế độ phụ cấp thu hút thời gian biệt phái vùng khó khăn
Tháng 9/2017, bà Lê Thị Huế được điều động về 1 Trường Phổ thông dân tộc nội trú thuộc tỉnh Lai Châu và được hưởng chế độ thu hút 70% do trường nằm trong vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn. Tháng 6/2018, bà có quyết định biệt phái về Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, thời hạn 1 năm.
Trong thời gian biệt phái Trường vẫn trả phụ cấp thu hút cho bà Huế. Nhưng nay Trường yêu cầu bà hoàn trả khoản phụ cấp thu hút đã nhận, do bà đang công tác ở Trung tâm không thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
Bà Huế hỏi, yêu cầu hoàn trả của nhà trường có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời:
Theo quy định tại Điều 36 Luật Viên chức và Điều 26 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP (tình trạng còn hiệu lực), việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách; hoặc để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định. Thời hạn biệt phái viên chức không quá 3 năm.
Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.
Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
Thời gian được hưởng và không được hưởng phụ cấp thu hút
Điều 4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (tình trạng còn hiệu lực), quy định:
Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này công tác ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: Mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có.
Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm.
Theo hướng dẫn tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 của liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính (tình trạng còn hiệu lực) thì, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, không được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP trong khoảng thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 1 tháng trở lên.
Trường hợp bà Lê Thị Huế, tháng 9/2017, bà được điều động đến công tác tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú thuộc tỉnh Lai Châu, thuộc vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn từ tháng 9/2017 nên được hưởng chế độ phụ cấp thu hút 70% theo quy định tại Điều 4 Nghị định 116/2010/NĐ-CP.
Tháng 6/2018, bà Huế có quyết định biệt phái về Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, thời hạn biệt phái 1 năm. Nơi bà Huế được cử đến công tác biệt phái không thuộc vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn.
Tại Điều 36 Luật Viên chức, Điều 26 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về biệt phái viên chức có quy định, trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức. Vì vậy, trong thời gian bà Huế được cử đi công tác biệt phái 1 năm, Trường Phổ thông dân tộc nội trú có trách nhiệm trả lương và các quyền lợi khác theo quy định như: Tiền lương theo bậc, hạng viên chức, chức danh nghề nghiệp đang hưởng; phụ cấp chức vụ hoặc phụ cấp trách nhiệm đang hưởng (nếu có), phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, phụ cấp thâm niên nhà giáo (nếu tiếp tục giảng dạy, giáo dục trong thời gian biệt phái), phụ cấp thu hút (nếu nơi đến công tác biệt phái thuộc vùng đặc biệt khó khăn).
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP và hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC, nhận thấy phụ cấp thu hút là một loại phụ cấp có tính chất đặc thù, chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có thời gian làm việc thực tế tại vùng đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm.
Trong khoảng thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nơi không thuộc vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn từ 1 tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp thu hút. Do nơi bà Huế đến công tác biệt phái là Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, không thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên thời gian công tác biệt phái không được hưởng phụ cấp thu hút.
Nội dung điều, khoản tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có quy định khác nhau, nhưng không cùng điều chỉnh một vấn đề, nên không phát sinh xung đột pháp luật.
Đáng lẽ, Trường Phổ thông dân tộc nội trú phải tạm dừng trả trợ cấp thu hút đối với bà Huế trong khoảng thời gian bà được cử đi công tác biệt phái, vì đơn vị đến công tác biệt phái không ở vùng đặc biệt khó khăn, mới đúng quy định. Do Trường đã trả phụ cấp thu hút cho bà Huế không đúng quy định, nên việc yêu cầu bà Huế hoàn trả khoản phụ cấp thu hút đã nhận là có cơ sở.
Trước khi được cử đi công tác biệt phái, bà Huế đã có thời gian hưởng phụ cấp thu hút từ tháng 9/2017 đến hết tháng 5/2018 là 9 tháng. Hết thời hạn biệt phái, nếu bà Huế trở về đơn vị cũ công tác, thì thời gian thực tế làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn sau đó, bà Huế tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút, nhưng thời gian hưởng phụ cấp thu hút tối đa không quá 60 tháng.